Stress vì kiêng đủ thứ: Mẹ bầu hạn chế thực phẩm gì?
Mùa hè các mẹ bầu có quá nhiều thực phẩm, hoa quả để ăn. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng phải kiêng nhiều loại thức ăn để không ảnh hưởng tới thai nhi.
Chị Lê Thanh Hà – 26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội mang thai lần đầu tiên được 9 tuần. Chị không nghén, chỉ thèm ăn và có thể ăn tất cả các loại thực phẩm. Về mùa này có nhiều hoa quả chị thích như dứa, mận, mít, đào… nhưng trái lại người nhà lại lên cả danh sách các thực phẩm chị Hà bị cấm/hạn chế không được ăn trong đó có nhiều món khoái khẩu của mình. Nhiều lần thèm nhưng chị Hà không dám ăn.
Hay như chị Nguyễn Thị Hòa – 32 tuổi, Thái Bình. Chị bị đa nang buồng trứng sau 3 năm kết hôn chị mới có thể mang thai bằng thụ tinh nhân tạo. Chính vì thế, mang thai trở thành thứ quý giá nhất của bà mẹ này. Tuy nhiên, từ lúc mang thai chị Hòa luôn trong trạng thái căng thẳng về việc ăn gì, kiêng gì. Chị lên mạng tìm kiếm các món ăn phải kiêng thì mỗi người một ý, người bảo kiêng, người bảo không.
Stress vì kiêng đủ thứ - Ảnh minh họa. |
Cuối cùng, chị Hòa kiêng hết. Nhiều loại hoa quả như vải, nhãn, mít, dưa lê, dưa hấu… bà mẹ này gạch hết không được ăn. Để bù cho những loại thực phẩm phải kiêng, chị Hòa chuyển sang uống các loại thực phẩm chức năng cho bà bầu.
Tuy nhiên, sau khi uống thì chị bị ngứa toàn thân. Bác sĩ nghi ngờ có thể chị dị ứng với axit folic.
BS. Nguyễn Thị Vân Trâm - Dinh dưỡng tiết chế - Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM cho biết trong thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp trong lúc mang thai rất quan trọng.
BS Trâm cho rằng các mẹ bầu không nên quá căng thẳng về việc ăn gì, kiêng gì mà nên chuẩn bị tốt tâm lý, kiến thức để có một thai kỳ khỏe mạnh, tự tin. Những thực phẩm mẹ bầu có thể hạn chế như đường trắng, bánh ngọt, mật ong... vì những thực phẩm này khi ăn nhiều sẽ làm giảm sự hấp thụ của vitamin, muối. Không uống bia rượu, các đồ uống có gas.
Nhiều mẹ chăm chỉ mua các loại thuốc bổ như trường hợp của chị Hòa trên, bác sĩ Trâm cho rằng không cần thiết uống.
Các mẹ nên chọn một số loại thực phẩm, chất dinh dưỡng thích hợp, giảm việc uống thuốc, vì bất cứ loại thuốc nào cũng có ảnh hưởng. Nguyên tắc quan trọng nhất của chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai chính là cố gắng thông qua các món ăn để cải thiện chất dinh dưỡng của thai phụ.
Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, muối chua, tránh các món ăn chưa nấu chín, nội tạng, các chất Caffeine và axit tannic có trong trà và cà phê có thể ức chế sự hấp thu sắt.
Trong thời kì đầu mang thai, thai phụ thường có triệu chứng ốm nghén như khó chịu, nôn mửa... vì vậy đa số thai phụ đều thích ăn đồ chua. Nhưng những đồ ăn này không có lợi cho sức khỏe. Thời kì đầu mang thai, độ axit trong thai nhi thấp, các chất axit hấp thụ từ cơ thể mẹ dễ dàng tích tụ một lượng lớn trong thai nhi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển bình thường của các tế bào phôi thai, có thể gây dị tật thai nhi. Vậy nên, trong hai tuần đầu mang thai, thai phụ không nên ăn đồ chua, uống nước chua.
BS Trâm đưa ra những thực phẩm phải tránh, ở ba tháng đầu thai kỳ thai phụ cần kiêng ăn: nhãn, ích mẫu thảo, quả táo mèo, dưa hấu, baba.
Ba tháng giữa thai kỳ cần kiêng các thực phẩm như cua và mứt hoa quả, cà phê, đường hóa học
và thực phẩm chứa đường hóa học, hoa tiêu, mù tạt, hồ tiêu, ớt cay, khoai tây, trứng gà sống, cá biển khô, rượu trắng, các loại bia, nước ngọt, nước có ga.
Ba tháng cuối thai kỳ cần kiêng hạt bobo, rau dền, thực phẩm đóng hộp, mì tôm, thực phẩm đại bổ, thịt ếch, gan lợn, thực phẩm nấm mốc, thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất đạm.
Khánh Chi