'Song kiếm' MiG hộ vệ bầu trời Việt Nam
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, quân đội ta bắt tay ngay vào việc xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 3/3/1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 15/QĐA thành lập Ban nghiên cứu Sân bay trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng (sau này được lấy làm ngày thành lập Không quân nhân dân Việt Nam).
Ngày 3/2/1964, trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (Đoàn Sao Đỏ) chính thức được thành lập tại Mông Tự (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Đây là trung đoàn chiến đấu đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Trung đoàn 921 ban đầu trang bị 33 tiêm kích đánh chặn phản lực MiG-17. Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (ngày 5/8/1964), ngày 6/8 toàn bộ trung đoàn 921 trở về nước chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt phía trước.
MiG-17-“Cú sốc của người Mỹ”
Tiêm kích đánh chặn phản lực MiG-17 là chiến đấu cơ đầu tiên được trang bị trong Không quân nhân dân Việt Nam. MiG-17 do Cục thiết kế Mikoyan-Gurevich (Liên Xô) nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 1952.
MiG-17 thiết kế với cánh cụp xuôi phía sau, cửa hút gió bố trí ở phần mũi máy bay. Máy bay lắp một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1F cho phép đạt tốc độ 1.145 km/h (ở trần bay 3.000 m), tầm bay hơn 2.000 km, trần bay 16.600 m.
Máy bay trang bị một pháo Nudelman N-37 cỡ nòng 37 mm (40 viên đạn) và 2 pháo NR-23 cỡ 23 mm (160 viên đạn). Hỏa lực pháo của MiG-17 chỉ hiệu quả ở trong tầm 400 m.
Phi công Việt Nam và những chiếc tiêm kích MiG-17. |
Thời điểm đó, với Không quân ta thì MiG-17 là máy bay chiến đấu hiện đại, tuy nhiên nếu so với máy bay tiêm kích của Mỹ thì MiG-17 lạc hậu hơn rất nhiều.
MiG-17 chỉ đạt tốc độ cận âm trong khi máy bay chiến đấu Mỹ đạt tốc độ siêu âm. Hỏa lực của MiG-17 chỉ có pháo tầm gần còn máy bay Mỹ trang bị các loại tên lửa không đối không tầm xa từ 10-20 km. Hơn nữa, MiG-17 không có radar phát hiện mục tiêu, mọi việc phải phụ thuộc vào trạm dẫn đường mặt đất đưa tới mục tiêu.
Chẳng thế mà Không quân Mỹ hoàn toàn không hề quan tâm lắm tới sự xuất hiện của MiG-17 ở miền Bắc. Chỉ huy tàu sân bay USS Constellation J.Paul kiêu ngạo nói rằng: “Cuộc chiến đấu với phi công Việt Nam chỉ là trò chơi. Các máy bay trinh sát cho phép người Mỹ nắm rõ lực lượng Không quân non trẻ, một dúm máy bay cổ lỗ trú trong những bức tường bằng đất đắp không mái tre”.
Tuy nhiên, người Mỹ đã nhầm, các phi công của lực lượng Không quân non trẻ đã tạo nên “cú sốc” lớn với niềm kiêu hãnh của các phi công Mỹ. Ngày 3/4/1965, phi công MiG-17 Phạm Ngọc Lan đã bắn hạ tiêm kích siêu âm F-8F của Không quân Hải quân Mỹ.
Nếu đánh giá thông số hai loại, rõ ràng MiG-17 không bao giờ có thể là đối thủ của F-8F. Nhưng các phi công Việt Nam với lối đánh sáng tạo, dũng cảm đã hạ đo ván đối phương.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, MiG-17 đã bắn hạ hàng trăm máy bay Mỹ. Nhiều phi công Việt Nam đã đạt được danh hiệu Ace trên chiếc MiG-17, điển hình như phi công Nguyễn Văn Bảy A (bắn hạ 7 máy bay Mỹ), Lưu Huy Chao (bắn hạ 6 máy bay Mỹ).
“Én bạc” MiG-21
Cuối năm 1965, Không quân nhân dân Việt Nam được nhận viện trợ thêm một số tiêm kích đánh chặn MiG-21 hiện đại hơn từ Liên Xô.
MiG-21 cũng do Cục thiết kế Mikoyan-Gurevich nghiên cuối phát triển từ giữa những năm 1950 và chính thức đưa vào phục vụ năm 1959. Thời điểm đó, MiG-21 là một trong những tiêm kích đánh chặn siêu âm hiện đại hàng đầu thế giới, có sức chiến đấu tương đương máy bay tiêm kích của Mỹ.
MiG-21 thiết kế với kiểu cánh tam giác, cửa hút không khí đặt ở đầu mũi máy bay. Cách thiết kế này làm giảm diện tích mũi nên chỉ cho phép mang một loại radar cỡ nhỏ có cự ly hoạt động ngắn.
Tiêm kích đánh chặn MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam. |
Hầu hết các loại MiG-21 trang bị cho Việt Nam đều trang bị radar điều khiển hỏa lực RP-21 Saphir có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 20 km, khóa mục tiêu ở cự ly mục tiêu 10 km. Nhưng theo một số nguồn thông tin thì thực tế con số tương ứng chỉ là 13 km và 7 km.
MiG-21 lắp động cơ tuốc bin phản lực cho phép đạt tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (Mach 2), tầm bay 1.200 km, trần bay gần 18.000 m.
Về hỏa lực trang bị thì giữa các biến thể của MiG-21 có sự khác nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ, ban đầu Việt Nam được viện trợ MiG-21F13, MiG-21PF, MiG-21PFM đều thiết kế một pháo 30 mm và 2 giá treo mang 2 đạn tên lửa đối không. Sau này, chúng ta có thêm MiG-21MF lắp pháo 23 mm và 4 giá treo mang 4 đạn tên lửa đối không.
Chiến công đầu của Không quân ta trên chiếc MiG-21 được thực hiện vào ngày 4/4/1966, MiG-21 do phi công Nguyễn Hồng Nhị điều khiển đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ ở độ cao 18.000 m.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt bảo vệ bầu trời miền Bắc, dưới sự điều khiển tài tình, sáng tạo của phi công Việt Nam, MiG-21 đã lập được nhiều chiến công vang dội bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ. Đặc biệt với MiG-21 không quân Việt Nam đã 3 lần bắn hạ “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm” B-52.
Ngoài “song kiếm” MiG-17 và MiG-21, năm 1969 Việt Nam đã nhận viện trợ từ Trung Quốc các tiêm kích đánh chặn siêu âm J-6 (sao chép MiG-19 của Liên Xô). Số máy bay này được biên chế vào Trung đoàn tiêm kích 925. Các phi công Việt Nam điều khiển J-6 đã bắn hạ một số lượng nhỏ máy bay Mỹ. |
Theo Kiến Thức