Soi độ 'khủng' của chiến hạm Mỹ vừa bị Trung Quốc xua đuổi ở Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố đã bám đuôi và xua đuổi tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) của hải quân Mỹ khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông hôm 28/5.
Theo American Military News, hôm 28/5, hải quân Mỹ đã điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Phía Trung Quốc cho biết đã điều động máy bay và tàu chiến bám sát chiến hạm Mỹ và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực đang làm nhiệm vụ.
“Vào ngày 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã thực hiện quyền tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Thông qua hoạt động này, Mỹ muốn phản đối những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc”, Tướng Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ cho hay.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ bị Trung Quốc xua đuổi khi hoạt động trên Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Chia sẻ với CNN, một quan chức hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin đã hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa (Thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc Li Huamin đã lên tiếng cáo buộc hải quân Mỹ có hành động khiêu khích và phá hoại hòa bình trong khu vực. Cũng theo ông Li, máy bay và tàu chiến Trung Quốc đã đi theo tàu khu trục USS Mustin đồng thời phát cảnh báo và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực.
USS Mustin (DDG-89) là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ. Đây là con tàu thứ 39 trong lớp Arleigh Burke. Con tàu được đóng vào tháng 1/2001 và hạ thủy vào ngày 12/12/2001.
Các tàu lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis cùng radar mảng pha quét điện tử thụ động SPY-1D. Vũ khí đáng gờm trên tàu gồm 56 tên lửa hành trình Tomahawk cùng sự kết hợp của các tên lửa tấn công mặt đất (TLAM) với hệ thống định vị Tercom và các tên lửa chống hạm. Ngoài ra, các tên lửa đất đối không Standard SM-2MR Block 4 được xem là trung tâm của hệ thống chiến đấu Aegis.
Ngoài ra, tàu khu trục USS Mustin còn được trang bị hệ thống pháo hạm Mk 45 127mm, hệ thống pháo phòng không tầm gần Mk-15 Phalanx 20mm, 6 ống phóng ngư lôi 324mm Mk32 Mod 14 cùng nhiều vũ khí hiện đại khác.
Hồi tháng Tư, Trung Quốc từng ra tuyên bố đã “trục xuất” chiến hạm USS Barry khỏi Biển Đông. Nhưng hải quân Mỹ khẳng định tàu chiến tự rời khỏi Biển Đông sau khi hoàn thành sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.
Hồi tháng Ba, Trung Quốc cũng cho hay đã xua đuổi tàu USS McCampbell và tàu USS Montgomery vào tháng Một khỏi Biển Đông.
Hiện hải quân Mỹ chưa đưa ra lời bình luận liên quan tới việc Trung Quốc có phản ứng như thế nào trước sự xuất hiện của tàu USS Mustin hôm 28/5, cũng như không nhắc tới việc tàu chiến này có rời khỏi khu vực sớm hơn so với kế hoạch đã định hay không.
“Khi có mặt trong Hạm đội khu trục 15, tàu USS Mustin đang tiến hành các hoạt động nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, tuyên bố từ Hạm đội 7 của Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, theo Navy.mil, tàu tấn công ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của hải quân Mỹ và tàu hộ vệ tàng hình đa nhiệm lớp Formidable RSS Steadfast (FFS 70) của hải quân Singapore đã triển khai tập trận chung trên Biển Đông từ ngày 24 – 25/5.
Nội dung diễn tập được hai chiến hạm Mỹ - Singapore tiến hành trên Biển Đông gồm tập nháy đèn, hoạt động cơ động, bắn súng nòng cỡ nhỏ và cỡ lớn cũng như chụp ảnh cuộc diễn tập. Đặc biệt, cuộc tập trận được tiến hành nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch Covid-19.
Tàu USS Gabrielle Giffords dài 418 feet được biên chế vào hải quân Mỹ vào năm 2017. Vũ khí trang bị trên tàu gồm pháo cỡ nòng 57 mm, súng cỡ nòng 50 mm, súng Mk44 Bushmaster 30 mm và tên lửa Hellfire.
Trong khi đó, tàu RSS Steadfast có chiều dài 378 feet, được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon SSM, tên lửa đối không MBDA Aster, ngư lôi EuroTorp cùng súng cỡ nòng 12,7 mm và 76 mm.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, nhưng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh và đối phó trước việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự cùng lập trường ngày càng hung hăng.
Vì sao Mỹ liên tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông từ đầu năm?
Kể từ đầu năm nay, Mỹ liên tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông giữa lúc quân đội các nước giảm tần suất hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Minh Thu (lược dịch)