Tôn vinh sinh viên Việt Nam đoạt giải quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa châu Á
Tại cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hóa châu Á và các giải pháp bền vững” do UNESCO tổ chức tại thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), đội thi từ Việt Nam đã đoạt một giải Ba và một giải Khuyến khích. Đây là 2 nhóm sinh viên của Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội), đã chọn giới thiệu và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho điểm đến Tràng An (Ninh Bình) và di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Trước đó, hai đội thi đến từ Việt Nam đã xuất sắc vượt qua 576 ứng cử viên khác trên khắp châu Á để lọt vào top 20 đội thi tranh tài ở vòng chung kết từ nhiều quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia, Tajikistan, Trung Quốc và Việt Nam. Tại vòng chung kết, các đội thi có khoảng 10 phút để thuyết trình về các ý kiến, đề xuất, giải pháp có tính bền vững, khả thi để bảo tồn di sản văn hoá và phát triển du lịch tại những danh lam thắng cảnh hay địa bàn cụ thể ở đất nước mình. Sau đó, ban giám khảo sẽ đặt ra các câu hỏi phản biện và mỗi đội có khoảng 7 phút để hỏi đáp.
Được biết, 2 đội thi của Trường đại học Hòa Bình gồm 9 sinh viên từ Khoa Ngoại ngữ và du lịch. Ngày 8/5, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức vinh danh cho 9 sinh viên này.
Chia sẻ với PV, em Hoàng Ngọc Hân (sinh viên Khoa Ngoại ngữ và du lịch) cho biết, đến bây giờ, Hân vẫn chưa tin bản thân cùng đồng đội lại vượt qua gần 600 đại diện của châu lục để giành giải ba.
Hân kể, khi nhận được thông tin và quyết định tham dự cuộc thi, trong lòng "vừa mừng vừa lo", mừng vì được tham gia một sân chơi mang tầm quốc tế, lo vì sợ rằng bản thân không đủ năng lực để cạnh tranh.
"Tôi được biết Việt Nam có 16 đội tham gia cuộc thi này, trong đó trường tôi có 3 đội, còn lại là các đội rất mạnh đến từ các trường có chuyên môn tốt về văn hóa như Trường đại học văn hóa, Đại học quốc gia Hà Nội", Hân nhớ lại.
Không chỉ riêng mình Hân, các thành viên trong đội cũng có cùng suy nghĩ này, chưa kể việc tham gia cuộc thi còn ảnh hưởng tới việc học tập. Tất cả đã bàn bạc và chia sẻ với giảng viên phụ trách. Sau khi nhận được lời khuyên và động viên từ bạn bè, thầy cô tất cả đều tự tin lựa chọn một địa danh là di sản của Việt Nam để tham dự. Nhóm của Hân gồm 5 sinh viên, họ chọn di sản Tràng An.
"Chúng tôi mất khoảng 2 tháng đầu tiên để chuẩn bị tài liệu, khảo sát địa điểm. Do việc học tập vẫn là mục tiêu hàng đầu nên thời gian này quả thực khó khăn, cả nhóm phải tranh thủ từng ngày nghỉ, từng phút ra chơi để bàn bạc, lên kế hoạch. Thậm chí, nhiều hôm cả nhóm ở lại trường đến đêm làm việc cho kịp thời gian để nộp sản phẩm cho ban tổ chức", Hân nói.
Đưa đoàn sinh viên đi dự thi tại Trung Quốc, TS Trần Diễm Hằng - Trưởng khoa Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình cho biết: "Chuyến đi Trung Quốc lần này với đoàn sinh viên Trường Đại học Hòa Bình không chỉ đơn thuần là tham gia một cuộc thi. Sau cuộc thi, sinh viên đến từ các quốc gia còn có cơ hội giao lưu, trao đổi thêm về cách thức học tập, bảo vệ di sản của mỗi quốc gia. Đặc biệt là cơ hội mở rộng thêm vốn kiến thức khi được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực du lịch và văn hóa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hoá châu Á và các giải pháp bền vững" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022, hướng đến đối tượng là các bạn trẻ đang theo học tại các trường đại học trên toàn châu Á. Cuộc thi kêu gọi các đề xuất tập trung vào chủ đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa châu Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thúc đẩy giáo dục di sản văn hóa giữa các nước châu Á; truyền bá khái niệm phát triển bền vững di sản văn hóa và tăng cường trao đổi văn hóa, chia sẻ kiến thức giữa giới trẻ ở các nước châu Á.
Anh Hùng