Sinh viên Hồi giáo ở Mỹ bị cảnh sát "bám"
Sinh viên Hồi giáo ở Mỹ bị cảnh sát "bám"
Anh: Tấn công Iran sẽ gây ra “những hậu quả vô cùng to lớn”
Israel thủ thế theo dõi tàu chiến Iran tiến đến Syria
![]() |
Cảnh sát theo dõi tất cả các hoạt động của sinh viên hồi giáo ở Mỹ bất kể là hoạt động giải trí hay học tập. |
Cảnh sát nói chuyện với chính quyền địa phương về các giáo sư sống ở những vùng rất hẻo lánh và thậm chí còn gửi các nhân viên trá hình đến nơi để điều tra, thu thập thông tin về tên tuổi và cả số lần họ cầu nguyện mỗi ngày.
Hãng tin AP đưa tin, các thanh tra rà soát những trang web của sinh viên đạo Hồi hàng ngày và mặc dù các giáo sư và sinh viên chưa hề bị cáo buộc dính dáng đến việc làm sai trái nào, tên tuổi của họ đã được liệt kê đầy đủ trong dữ liệu của sở cảnh sát.
Khi được hỏi về việc theo dõi, người phát ngôn của sở cảnh sát, Paul Browne đã đưa ra danh sách 12 người bị bắt hay cáo buộc vì những tội danh khủng bố ở Mỹ và nước ngoài đã từng là thành viên của Hiệp hội Sinh viên đạo Hồi (MSAs). Jesse Morton, người trong tháng này đã nhận tội vì đăng tải những lời đe dọa trực tuyến chống lại những người đã tạo ra những nhân vật hoạt hình trong loạt phim nổi tiếng “Công viên phía Nam”. Anh này đã từ định lôi kéo thêm nhiều người tham gia ở trường Stony Brook, ở bang Long Island, ông Browne nói.
"Và kết quả là NYPD phải thận trọng để xử lý những gì đang diễn ra ở MSAs”, ông Browne trả lời và giải thích rằng cảnh sát chỉ theo dõi trên các trang web của sinh viên đồng thời thu thập các thông tin được đăng tải công khai trên mạng trong thời kỳ 2006-2007.
"Tôi thấy rõ ràng đây là sự vi phạm quyền công dân. Chẳng ai muốn lọt vào danh sách của FBI hay NYPD hay bất kể cái cơ quan nào như thế cả. Sinh viên Hồi giáo muốn có cuộc sống riêng tư cá nhân và hưởng quyền và các cơ hội tự do giống như tất cả những người khác được hưởng”, Tanweer Haq, giáo sĩ của MSAs tại Syracuse nói.
Trong mấy tháng vừa qua, hãng tin AP đã tiết lộ những chương trình bí mật do NYPD xây dựng dưới sự hỗ trợ của Cục Tình báo Mỹ (CIA) nhằm theo dõi người Hồi giáo ở tất cả mọi nơi từ ăn ở, mua sắm hay cầu nguyện. Việc các nhân viên tình báo trà trộn vào trong các MSAs tại các trường đại học ở New York và các hành động theo dõi đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong tất cả các hiệp hội sinh viên.
Mặc dù NYPD tuyên bố làm theo đúng nguyên tắc của FBI nhưng một số hoạt động vẫn vượt qua quyền hạn FBI được phép thực hiện.
Thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg nhắc đi, nhắc lại rằng cảnh sát chỉ làm theo đúng hành lang pháp lý về hoạt động tội phạm tình nghi nhưng những hồ sơ gần đây cho thấy không có sinh viên nào có hành động sai trái.
Trong một bản báo cáo của một nhân viên mật đi theo nhóm sinh viên 18 người thuộc đại học City ở New York trong chuyến chèo thuyền tháng 4/2008 đã liệt kê tên tuổi của tất cả những thành viên thuộc ban cán sự của MSAs và mô tả những hoạt động rất bình thường của nhóm này như đi chèo thuyền, cầu nguyện và bàn luận về đạo Hồi chung chung.
Một sinh viên trong chuyến đi đó, Jawad Rasul cho hay anh bàng hoàng khi biết tên mình được liệt kê trong danh sách của cảnh sát.
"Giờ đây đi đâu tôi cũng phải nhìn ngó xung quanh và cảnh giác”, Rasul nói.
Trường đại học City tuyên bố không biết gì về việc theo dõi sinh viên của cảnh sát và lên tiếng chỉ trích hành động theo dõi này.
"Chúng tôi không chấp nhận hay tha thứ cho bất cứ cuộc điều tra nào đối với các tổ chức sinh viên vin vào lý do nó dính dáng đến mục đích chính trị hay tôn giáo của việc tụ họp này. Cho đến nay chưa hề có một bằng chứng nào cho thấy sinh viên của trường dính dáng đến hoạt động tội phạm, chúng tôi không thể tha thứ cho kiểu điều tra như vậy ở đây".
Các nhóm sinh viên đặc biệt thu hút sự quan tâm của NYPD vì có nhiều thanh niên người Hồi giáo, một trong những đối tượng thường xuất hiện trong các nhóm khủng bố. Cảnh sát lo ngại các học giả là những người thường có ảnh hưởng đến sinh viên và sợ rằng các hoạt động ngoài giờ học có thể được lợi dụng dành cho việc đào tạo khủng bố.
Một sinh viên tại trường Buffalo, Adeela Khan đã lọt vào tầm ngắm của cảnh sát sau khi nhận được một email ngày 9/11/2006 thông báo về hội nghị hồi giáo sắp diễn ra ở thành phố Toronto, Canada. Trong thư mời chỉ tuyên bố có các học giả đáng kính tham dự nhưng không tuyên bố rõ tên hay chương trình cụ thể. Khan kể cô đã forward bức thư này lên nhóm chát ở của sinh viên hồi giáo trên trang Yahoo và quên bẵng đi việc này.
"Một số người đã từng đi và họ kể là nó rất thú vị vì vậy tôi đã chuyển thông tin đi để mọi người được biết. Mọi chuyện thực sự chỉ có thể mà thôi”, Khan nói.
Thời điểm đó Khan là thành viên trong bán cán sự của MSA tại trường đại học Buffalo. Cô nói chưa bao giờ tham dự hội nghị và chẳng liên quan gì cũng như chẳng biết ai diễn thuyết tại đó.
Nhưng cảnh sát Mahmood Ahmad thuộc ban Tình báo của NYPD đã để ý thấy và liệt kê Khan vào danh báo cáo hàng tuần của mình gửi lên cấp trên. Cảnh sát tiến hành tìm kiếm về hội nghị ở Toronto và phát hiện ra một trong những diễn giả là Tariq Ramadan đã bị từ chối nhập cảnh năm 2004. Chính phủ Mỹ giải thích đó là vì Ramadan đã cung cấp tiền cho một nhóm người Palestine. Thị thực của ông này được phục hồi vào năm 2010.
Ba học giả trong báo cáo của cảnh sát, một là Siraj Wahaj nổi tiếng nhưng cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi ở New York và từng là đối tượng bị theo dõi của thành phố trong nhiều năm. Hai người còn lại là Hamza Yusuf và Zaid Shakir, hai học giả hồi giáo nổi tiếng nhất ở Mỹ. Hai giáo sư này đã từng giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng nhất Mỹ. Ông Yusuf thậm chí còn gặp gỡ tổng tống Bush tại Nhà trắng sau vụ khủng bố năm 2001.
Chỉ bấy nhiêu về sự kiện trên đã đủ để tên Khan nằm trong báo cáo hàng tuần về MSA với hàng chữ “tuyệt mật” màu đỏ bên ngoài bì thư và được gửi lên cấp trên theo dõi.
Không có thông tin liệu cuộc điều tra có tiếp tục được tiến hành hay Khan có từng dính dáng vào chuyện gì nhưng Khan thực sự đã rất lo lắng khi bị liệt kê trong danh sách hồ sơ của cảnh sát.
"Cũng giống như thành phố New York, các trường đại học Mỹ được coi trọng khắp nơi trên thế giới là do chấp nhận con người với tất cả các nguồn gốc và quan điểm khác nhau. Vì vậy chúng tôi rõ ràng là rất lo ngại rằng bất kể việc gì ảnh hưởng đến giá trị tự do hay xâm phạm đến cuộc sống riêng tư của sinh viên”, người phát ngôn của đại học báo chí nổi tiếng, Columbia, Robert Hornsby phát biểu trong một thông cáo.
Một nhân viên tư vấn sinh viên của MSAs thuộc đại học Pennsylvania, Danish Munir cho rằng cảnh sát đang lãng phí thời gian theo dõi các sinh viên.
"Họ trông đợi tìm được gì ở đây? Chúng đều là lũ trẻ con nhà giàu, có căn bản và chỉ đang tìm cách kiếm kế sinh nhai, có một sự nghiệp tốt và được trải nghiệm môi trường giáo dục tốt. Đây là một sự lãng phí của cải và nguồn lực”, ông này nói.
Hoa Tạ