“Siêu Tổng thống” Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng chiến thắng lịch sử
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các thùng phiếu đã mở và kết quả cuối cùng được dự đoán là chiến thắng cách biệt không nhiều. Tuy vậy, Tổng thống Erdogan đã gọi điện cho Thủ tướng Binali Yildirim và lãnh đạo Đảng Hành động Quốc gia MHP, các bên bỏ phiếu “ủng hộ” để chúc mừng họ. Theo đó, ông Erdogan khẳng định kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã quá rõ ràng.
Đây là chiến thắng quyết định mà Tổng thống Erdogan và đảng Công ký và Phát triển (AKP) cầm quyền đã vận động một cách quyết liệt để có được. Tại ba thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, Izmir và thủ đô Ankara, bên “phản đối” có phần yếu thế hơn.
Phát biểu trước đám đông bên ngoài trụ sở của đảng AKP, ông Yildirim cho biết các kết quả ban đầu đều cho thấy phe “ủng hộ” đang dẫn đầu. “Một trang mới đã được mở ra trong lịch sử nên dân chủ của chúng ta. Chúng ta là anh em, là một cơ thể, là một quốc gia”, Thủ tướng khẳng định.
Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Erdogan. Nguồn: Reuters |
Trong khi đó, trên đường phố, rất nhiều đoàn xe bấm còi ăn mừng, người dân vẫy cờ từ cửa sổ, tràn ra đại lộ chính ở Ankara hướng tới trụ sở của AKP. Tên của Tổng thống được hô lớn trên loa và nhiều xe bus đi vận động bỏ phiếu.
Sự chiến thắng của phe bỏ phiếu “ủng hộ” sẽ thay thế chế độ dân chủ quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiệm kỳ của “siêu Tổng thống” cả về khía cạnh quyền hạn và thời gian giữ chức. Đây là một sự thay đổi cấp tiến nhất đối với hệ thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử hiện đại.
Cụ thể, Tổng thống Erdogan sẽ có thêm vai trò điều hành chính phủ, đề xuất các khoản thu chi trong ngân sách, ban hành sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua. Tổng thống cũng sẽ có quyền bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội.
Ông Erdogan sẽ điều hành quốc gia bằng các sắc lệnh song song với văn bản luật do quốc hội soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, ông chỉ có thể bị bãi nhiệm nếu có 60% số nghị sĩ tán thành. Ngoài ra, luật mới này có thể giúp ông Erdogan nắm quyền ít nhất đến năm 2029.
Những người ủng hộ ông Erdogan cho rằng việc cải cách hiến pháp sẽ giúp vực dậy nền kinh tế trì trệ của đất nước cũng như ổn định chính trị. Tuy nhiên, những người phản đối dự luật lại lo sợ về việc Tổng thống được trao quá nhiều quyền hạn.
Kết quả này cũng sẽ tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Liên minh châu Âu. Quốc gia thành viên NATO này đã ngăn dòng người tị nạn, chủ yếu đến từ Syria và Iraq, nhập cảnh vào châu Âu nhưng ông Erdogan nói rằng ông có thể xem xét lại thỏa thuận trên sau cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập cho biết sẽ yêu cầu kiểm lại 60% phiếu bầu, phản đối quyết định cuối cùng của ban kiểm phiếu, không chấp nhận đây là kết quả hợp pháp.
“Chúng tôi sẽ theo đuổi một cuộc chiến pháp lý. Nếu những điều bất hợp lý không được sửa đổi thì sẽ có một cuộc thảo luận hợp pháp nghiêm trọng hơn”, Phó chủ tịch CHP Bulent Tezcan cho biết.