Siêu bão Haiyan tàn phá toàn bộ nền kinh tế Philippines?
![]() |
Siêu bão Haiyan tàn phá khu vực phía đông tỉnh Samar, miền trung Philippines |
Hôm 11/11, trả lời hãng tin CNBC - Bộ trưởng Tài chính Philippines - Cesar Purisma cho biết sức mạnh tàn phá của siêu bão Haiyan sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội của khu vực giảm từ 8 – 10% trong năm tới và khiến tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế Philippines giảm mất 1%.
Siêu bão Haiyan đã tràn vào khu vực đảo Leyte và hòn đảo kế bên Samar với gió giật mạnh 282 km/h.
Kể từ khi cơn bão Haiyan đổ bộ vào đất liền Philippines hôm 8/11, đồng nội tệ peso đã giảm mất 0,3% so với đồng đôla. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Philippines giảm mất 2,2% trong 30 phút đầu của phiên giao dịch hôm 11/11.
Theo ông PJ Garcia thuộc tổ chức BPI Asset Management, tác động tới nền kinh tế sau siêu bão Haiyan sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, trong khi, toàn nền kinh tế của Philippines sẽ chịu ảnh hưởng rất nhỏ.
Ông Garcia cho rằng những ảnh hưởng xấu tới kinh tế của Philippines sẽ không thể hiện ngay trong dữ liệu kinh tế quý IV của quốc gia trong năm nay mà sẽ tác động sang quý I của năm sau và lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, Leyte - khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất sau siêu bão Haiyan, vốn là nơi có sản lượng gạo và đường rất lớn.
"Trước khi siêu bão Haiyan tấn công Leyte, nhiều người nông dân đang chuẩn bị thu hoạch. Không may, cơn bão đã đổ bộ trước thời điểm họ kịp thu hoạch vụ mùa và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng mùa vụ", ông Garcia nói.
Ông Garcia nói thêm những nỗ lực tái thiết hàng loạt cơ sở hạ tầng trong khu vực hứng bão đang cần được triển khai nhanh chóng nhằm giảm thiểu tác động tới tốc độ phát triển của toàn nền kinh tế Philippines.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Philippines liên tục ghi nhận tăng trưởng. Hồi năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Philippines đạt 6,6%. Chính phủ Philippines dự kiến phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng như trên trong năm 2013.
Ray Attrill – người đứng đầu chiến lược FX tại Ngân hàng quốc gia Australia cho rằng đồng peso của Philippines đang chịu cảnh xuống giá nhẹ tương tự như đồng rupiah của Indonesia sau thảm họa sóng thần năm 2004. Ngay sau khi xảy ra thảm họa sóng thần 2004, đồng rupiah đã giảm mất 10% giá trị.
Theo ông Attrill, việc bán hạ giá hàng hóa trong một thời gian ngắn cũng như dòng vốn đầu tư quy mô lớn đổ vào khu vực bị bão tấn công kết hợp với số tiền được người dân đi làm ăn ở nước ngoài gửi về quê hương ngày một tăng sẽ bù lại phần lớn thiệt hại trong nền kinh tế của Philippines cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế lâu dài.