Shop TIN mồng 5 Tết: Đừng biến chúng ta thành "lũ chúng mày"!
Miễn là chúng ta về được tới nhà, chui vào nhà mình, đóng cửa, rồi lên mạng bắt đầu than thở....
Chúng ta gồm tôi, anh chị, các bạn, bạn của các bạn, con cái các bạn.
Và giờ thì tôi muốn nói tới chính chúng ta.
1.
Một tập tục văn hoá đi Lễ chùa đầu năm mới do ông cha để lại, rất đẹp, rất nhân văn. Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung, đặc biệt là những nước ảnh hưởng bởi khí hậu 4 mùa. Việt Nam cũng theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (Mùa xuân thì sinh ra, mùa hạ thì trưởng thành, mùa thu thì thu liễm, mùa đông thì bế tàng)….
Đến với cửa chùa là đến với sự thánh thiện, thanh tao, mong ước rũ bỏ được những phiền muộn, lo toan. Đến với cửa chùa để gạt bỏ đi hết những cái cũ, ước mong những điều mới tốt đẹp hơn. Đến với cửa chùa còn là dịp để nhớ đến tổ tiên, tri ân với những bậc thánh nhân.
Trên tay mọi người là lễ vật, tâm trí là cầu xin, thiêng liêng như thế, thanh tịnh như thế, sạch tâm như thế thì đẹp đẽ quá.
Hãy cùng tôi chia sẻ những hình ảnh này, những hình ảnh không thể nhếch nhác, ngán ngẩm và xấu xí hơn ở những nơi mà rất và rất nhiều người đi Lễ chùa xin lộc đầu năm.
Thế mà người ta mải mê cầu khấn, mải mê xin Phật ban phước, ban phúc, ban lành, nhưng họ lại xả ra trên đất đai, rác rưởi chất ngất, và giẫm đạp, và xô đẩy, nó ngược với cái đạo, cái lễ, cái đức đang cầu xin.
Không chỉ là người nước ngoài bàng hoàng nhìn cảnh này mà chính người Việt với nhau cũng không thể tưởng tượng.
Bỗng chúng ta đã biến thành chúng mày, đám đông vô ý thức.
Nghĩ có đau không?
Hình ảnh này được chụp vào sáng mồng 3 Tết tại Chùa Phật bà quan âm bồ tát ở Huế.
Nguồn:
2.
Khoan làu bàu vì nguyên nhân do giá xăng, do thực phẩm bẩn không ai quản lý, do thiếu công bằng, do quan chức quan liêu, tham nhũng.... không vì bất cứ lý do nào khác ngoài cái lý do tự chúng ta xả bẩn ra trên đất, trên sân, trong sân chùa, trên đường phố, ở công viên. Sau đó chắc chắn sẽ có những ai đó có ý thức phẫn nộ mắng cả đám đông: chúng mày là lũ vô ý thức.
Chúng ta chém ào ào trên facebook những dòng cảm thán dễ dàng khi thấy hàng cây bị chặt, con sông bị ô nhiễm, đàn cá chết, ruộng lúa bị nhiễm độc ... và ôi buồn quá, ôi sao lại thế, hãy giết chúng đi lũ khốn nạn đã làm hại môi trường... nhưng sau đó khi ra khỏi nhà, miễn là ra khỏi nhà, miễn là ra khỏi chỗ ở của ta, bước vào không gian của chúng ta là lập tức xả rác, lập tức nhổ bậy, lập tức búng tàn thuốc lá, lập tức thả chai nước, bao bì, vỏ trái cây... để chính hành vi đó đã biến chúng ta thành lũ chúng mày ích kỷ và vô ý thức.
3.
Chúng ta ở trong một cơ quan, thì thầm, ì xèo, ghét cay ghét đắng sếp, xỉa, kháy, nhếch mép, nhưng khi bắt đầu bầu, ai cũng bỏ phiếu, rốt cuộc, cái ông sếp xấu xí ấy lại trúng, lại lãnh đạo, và chúng ta lại ì xèo, thì thầm, mắng, kháy, xỉa, nhếch mép.
Nếu vặn vẹo, ghét thế, biết ông ta kém thế, đần thế, tham thế, sao vẫn bỏ phiếu. Xì, mình không bỏ thì thằng khác cũng bỏ, mình không bỏ thì ông ta cũng trúng. Ai cũng lập luận thế, im thin thít như thế, gật đầu lên đồng với nhau như thế nên kẻ xấu vẫn cứ sống, cứ lên, chắc ghế. Chúng ta như thế thì khi bị đối xử bất công, đối xử tệ bạc đừng có kêu, vì khi đã biến thành chúng mày hèn đớn rồi thì kêu ai?
4.
Chúng ta khua môi múa mép cho lắm, bước vào phòng họp, chả thấy ai nói một câu, chê một câu, phê bình một câu, lại lập luận, dào ôi, cái cơ quan to đùng như thế, ý kiến của mình là cái đinh gỉ, nói ngược ngạo không giải quyết được gì mà còn bị nó đập phát chết luôn, thế là thành..cả lũ chúng mày, lại cung cúc vâng dạ, cung cúc biểu quyết, trăm phần trăm, trăm phần trăm, trăm phần trăm chính cái điều mà các chúng ta phẫn uất, đó là sự ích kỷ, đó là sự kém cỏi của ý thức, đó là sự thoả hiệp với cái xấu, cái yếu kém, mà khi trở thành thoả hiệp thì cũng trở thành "lũ chúng mày" cũng chả oan.
5.
Chúng ta biết phẫn nộ trước hành vi tham nhũng của quan chức, biết phẫn nộ trước phát ngôn sai trái của quan chức, biết tỏng tòng tong ngõ ngách, đường đi ăn tàn phá hại của quan chức, chúng ta trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương...đều biết, nhưng vì sao quan chức kém cỏi vẫn yên vị? Vì sao quan tham vẫn bình an? Vì chúng ta đã vì chính cá nhân ta, sự an toàn "nguy hiểm" của từng ta, cuối cùng lại trở thành lũ ăn mày cho quan tham, quan hỏng hành hạ và đứng trên đầu trên cổ.
Khó và ảo tưởng nếu trông cậy vào một cơ quan, vài cơ quan làm việc tìm kiếm, phát hiện cho hết, cho sạch quan tham dù họ có nỗ lực đến 1000 % sức lực nếu chúng ta bàng quan, chúng ta coi đó là sân chùa, là hè phố để xả rác chứ không muốn làm sạch, mặc cho bị biến thành "lũ chúng mày" thì vẫn hân hoan về nhà, bỏ rác lại, bỏ cái xấu lại, bỏ sự yếu kém của quan chức lại sau lưng, kệ, miễn là chúng ta về được tới nhà, chui vào nhà mình, đóng cửa, rồi lên mạng bắt đầu than thở, bắt đầu gào thét, bắt đầu ngứa mồm chửi... coi mình là nạn nhân của mọi thứ xấu xa của cuộc đời này mà đáng ra, nếu chúng ta thực sự là chúng ta, dũng cảm lên tiếng, dũng cảm làm sạch mình trước khi làm sạch quan, dũng cảm bước qua "lũ chúng mày" thì quan xấu, quan tham khó lòng lọt lưới.
Cuộc "giải cứu" gần 600 người về quê ăn Tết của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2
Hai ngày ở Sa Kỳ, không riêng gì anh Nam mà nhiều người dân Lý Sơn khác đều cảm nhận được Tết đang đến gần mà biển thì vẫn động dữ dội. “Chẳng thà không về thì thôi, chứ về đến Sa Kỳ mà không ra đảo được là ức lắm” - anh Nam chia sẻ. Cũng theo anh Nam, từ chiều 28 tháng Chạp (tức ngày 6.2), nghe thông báo sẽ được tàu cảnh sát biển đưa về quê ăn tết nên ai cũng vui mừng khôn xiết.
Do nhận thấy thời tiết ngày càng xấu, chiều 28 tháng Chạp UBND huyện Lý Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi nhờ đến sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đưa 596 người dân Lý Sơn về đảo để kịp đón giao thừa cùng gia đình.
Tai nạn giao thông tăng 113%, gần 2 nghìn ca ngộ độc
Các bệnh viện trong cả nước khám, cấp cứu cho hơn 17.000 trường hợp, trong đó có gần 2.000 trường hợp chấn thương sọ não.
Đó là con số ghi nhận ba ngày Tết vừa qua do Bộ Y tế công bố. Cụ thể, các bệnh viện trên toàn quốc đã khám, cấp cứu cho gần 85.000 lượt bệnh nhân.
Trong đó khám, cấp cứu cho 17.278 trường hợp tai nạn giao thông, tăng 113% so với Tết năm ngoái.
Tỷ phú Thái mua Big C Việt Nam 3,5 tỷ USD
Ngày 8/2, Tập đoàn TCC của Thái đã tiến hành mua lại hệ thống kinh doanh Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp). Theo đó Casino đã đồng ý bán phần lớn số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD của tập đoàn này tại Big C cho tập đoàn TCC của Thái Lan. Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch “giảm gánh nặng tài chính” của Casino trong năm 2016.
Quy trình ngược tinh vi
Những công trình của nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu với giá bỏ thầu rẻ, sau đó phát sinh tăng lên khi triển khai dự án. Ảnh: The Telegraph. |
Trung Quốc còn có những công cụ rất tinh vi, triệt hạ đối thủ, khống chế đối tác rất nhẹ nhàng và không phải ai cũng nhận ra được.
Gần đây hàng loạt những công trình do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới chất lượng kém và giá cả tăng. Hàng loạt những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị người tiêu dùng trên toàn thế giới phản ứng về chất lượng – đó là một trong những vấn nạn đối với doanh nghiệp, với thương nhân Trung Quốc.
Văn hóa Việt Nam không thể đi một mình một đường
Người ở bất cứ đâu thì cũng đều có thiên hướng được tụ hợp lại với nhau theo sở thích và ý nguyện tương đồng, được tự do bày tỏ một cách ôn hòa tình cảm yêu ghét của mình mà không sợ bị coi là “làm mất trật tự công cộng”.
Chọn được người lãnh đạo mạnh và sạch qua bầu cử dân chủ, công khai là nguyện vọng chính đáng của người dân trong bất kỳ mô hình chính trị nào.
Tôi đã lược qua trên đây những ý nguyện chung cho con người ở mọi dân tộc. Đó chính là những giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại mà chúng ta không thể nấp sau tấm bình phong “đặc thù” của văn hóa mỗi dân tộc mà phủ nhận chúng để rồi bị rơi vào tình trạng dường như là “bế quan tỏa cảng”, đi một mình một đường dẫn đến kết cục không ai mong chờ là tụt hậu và… tụt hậu.
Chúng ta hãy cùng tỉnh táo để lựa chọn con đường đúng đắn. Thời gian không chờ ai.
Lẽ nào quy hoạch xây dựng phải... 26 năm nữa mới xong?
Một bài học xương máu trong công tác quy hoạch đô thị nói chung: Càng chậm bao nhiêu thì càng lãng phí cho xã hội bấy nhiêu.Hội nghị trực tuyến của ngành xây dựng 2015 hồi giữa tháng trước có một thông tin khiến tôi hơi bất ngờ và không khỏi buồn lòng: Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN nói tại hội nghị rằng theo số liệu của Bộ Xây dựng thì tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết chỉ tăng trung bình 2,5%/năm. Hiện còn 65% quy hoạch chi tiết chưa hoàn thành, và theo tốc độ này sẽ phải mất 26 năm để hoàn thành quy hoạch xây dựng chi tiết. Như vậy, việc thỏa thuận quy hoạch, "cơ chế xin cho" sẽ tồn tại rất lâu, khó giữ được quy hoạch chung. Hậu quả và việc khắc phục hậu quả chắc chắn tốn kém khó có thể thống kê hết ( theo báo Thanh Niên ngày 15.1).
Giải oan cho những phận người...
Có lẽ chưa khi nào lịch sử tố tụng lại ghi nhận nhiều vụ án được giải oan như năm 2015.
Cảm nhận trên facebook:
*Nguyễn Xuân Tư ( Đà Nẵng)
XUÂN VỀ
Em dắt mùa xuân về
Cho mai, đào nẫy nụ
Bao mầm xanh đang nhú
Cùng cây đời đơm hoa
Tình yêu mãi không già
Như mùa xuân luôn trẻ
Em và Xuân lặng lẽ
Dâng cho đời sắc hương . . .
GIẾNG LÀNG
Cây đa cùng với giếng làng
Quê hương nguồn cội - hành trang cuộc đời
Giếng làng ơi ! Giếng làng ơi !
Trong tôi lắng tiếng gàu rơi ... giếng làng
MÙA XUÂN
Em gánh mùa xuân về phố
Đung đưa đào thắm, mai vàng
Phố phường muôn hoa hội ngộ
Đẹp xinh, tươi thắm, rỡ ràng
Mùa xuân hoa khoe hương sắc
Bên hoa em thật dịu dàng
Tình thơ, tình đời giăng mắc
Lòng anh náo nức xuân sang
* Quy Ho Van
Cầu khỉ đúng nghĩa ! Làm cho khỉ đi qua. Sơn Trà - Đà Nẵng.
*Lê Thị Lan Anh:
Bò ơi, Trâu nói nhỏ này,
2016 phải hay chăm làm.
Không quá tham vọng, tham lam,
Đủ ăn, đủ ở, là kham đúng tầm.
Cuộc sống phải giữ chữ Tâm,
Kèm Chân- Thiện- Mỹ, tấm thân sẽ nhàn...
*Cu Làng cát:
Người ta đang làm gì với đền Liễu Hạnh Công Chúa dưới chân Đèo Ngang?
Hai hình ảnh do Cu Làng Cát chụp. Một ảnh xưa với bậc tam quan và cây cối um tùm ôm ấp không gian thờ mẫu linh thiêng của người dân vùng bắc Quảng Bình. Hình ảnh hiện tại chụp vào ngày 10-2-2016 là một cổng tam quan hoàn toàn mới toanh. Ông Thiện và ông Ác như hình ảnh của trẻ con vẽ. Một kiểu xã hội hóa địa chỉ tâm linh có tuổi hàng trăm năm đã biến mọi thứ thành ô trọc. Kẻ vô văn hóa vớ tay làm văn hóa thì nơi đẹp thành chốn ô hợp. Cây cối ở bậc tam quan bị chặt trụi, xăm keo, bán sớ, tiền tiền bạc bạc vẫn tái diễn. Hòm công đức nhiều vô thiên lủng, nơi nào đơn vị xã hội hóa xây lên cái gì là hòm công đức mọc ngay ra cái đó.
* Ho Sy Bang:
Mỗi độ tết đến,xuân về sau những ngày quây quần tụ họp đón năm mới sẽ lại đến những ngày mà người dân đua nhau đi lễ hội.
Đi lễ,chùa,đình đền đầu xuân thường sẽ kéo dài mãi gần như cả tháng giêng vẫn chưa dứt.
Không dám báng bổ,không lên án,không chỉ trích...nhưng vẫn thấy có điều gì đấy không ổn trong việc hành lễ của người Việt. Có lẽ nó đã thành tập tục,thói quen và cả trào lưu mà nhiều người không cảm nhận hết được rằng,mình có may mắn,có toại nguyện tất cả những điều ước sau mỗi lần hành lễ hay không.
Mấy tên ăn cắp vặt,lừa đảo,trộm cướp...cũng đi cúng lễ,cầu tài lộc. Những người buôn bán,kinh doanh cũng hành lễ xin mua may,bán đắt,làm ăn thuận lợi. Những người làm công chức,làm quan...cũng đi cầu cho con đường công danh,sự nghiệp,chức sắc được lên cao.
Học sinh,sinh viên cũng đi lễ để xin được học lên cao,đỗ đạt...!
Ông kinh doanh tiệm Nét thì cầu xin nhiều khách,đông các cháu đến chơi. Mẹ có con đi học thì cầu cho con bỏ game,chăm học.
Nhà bán quán nhậu khấn cầu bán được nhiều mồi, nhiều bia rượu. Vợ hàng xóm thì khấn cho chồng cai rượu,bỏ bia..!!!
Ai cũng sẵn sàng ném tiền lấy may,vứt tiền bất kỳ đâu để xin lộc. Chỉ mấy pho tượng đá,mấy bức tượng đồng vô tri,vô giác cũng được dúi tiền vào tay để cầu xin may mắn,ấy nhưng vừa ngoảnh mặt thì có kẻ thò tay bốc ngay tiền lễ đút túi.
Vậy cuối cùng thì ai cũng cầu nguyện,ai cũng ước cho lời thỉnh cầu của mình thành hiện thực thì những kẻ gian manh,giật dọc chắc cũng "biết" mà chừa ra cho những người từng hành lễ, từng thành tâm, từng xin tài, lộc cho mình...
*Chau Ny:
Lâu lâu mới có cái Tết không đi đâu chơi, ở nhà tận hưởng nắng ấm, Hà Nội đẹp đẽ và tĩnh lặng.
Ô hay, tuyệt thật.
Còn 5 ngày Tết trước khi đi làm để khai bút, yên bình và bình tĩnh nhìn lại công việc, sắp xếp lại thứ tự các việc được ưu tiên, vẽ nốt bức tranh còn dang dở. Đọc xong cuốn tiểu thuyết, lên vài kịch bản để ra Tết quay. Có vẻ 5 ngày Tết còn lại sẽ còn bận hơn cả mấy ngày đi làm
*Hiepthanh Le:
Chưa đi nhiều nhưng tui có thể nói, ở đâu du khách người Việt nhiều, ở đó rất ồn ào, nhếch nhác, mọi người xã rác bừa bãi. Các địa điểm du lịch, thắng cảnh... toàn rác, các loại túi nhựa, chai nhựa...rất khó phân hủy nằm ngỗn ngang, la liệt trên bãi cát, cành cây... Buồn cho ý thức người Việt mình, họ không để ý đến những ánh mắt khó chịu của những người xung quanh, họ không cần biết môi trường ở những địa điểm thắng cảnh, vui chơi công cộng, họ chỉ cần giữ vệ sinh cho bản thân, gia đình và ngôi nhà của họ.
Người làm dịch vụ du lịch thì chụp dựt, chặt chém, phong cách nghiệp dư, đầu tư sơ sài, tạm bợ.
Nói chung rất chán, chỉ muốn về nhà...nhậu.
*Nguyễn Ngọc Hạnh:
Bên Chiều
Chiều lên nửa phố chiều trông
Phố như tranh vẽ xao lòng đò ngang
Nét non tươi đẫm mơ màng
Ẩn trong dấu vết thờI gian chưa mờ
Chiều buồn phố rất nên thơ
Qua sông mà cứ mong chờ hòang hôn
Chiều nghiêng nửa phố chiều trông
Người đi từ phía bão giông chưa về!
Tảo tần đời mẹ chân quê
Bao năm lặn lội đi, về triền sông
Nón che không hết mùa đông
Phố che không hết nỗi buồn trần gian.
*Trưởng thôn Khoai Lang:
Ngày ba mạ tôi mất, huyệt cát chôn ba mạ nằm ngay bên chân tôi, cảm giác người sống và người ra đi sao gần quá, gần tới mức hình như cái chết không tồn tại ở miền cát này, chỉ có sự sống nối sự sống, sự sống trên cuộc đời vẫn liên kết nối mãi với sự sống dưới cát kia, khăng khít thương yêu, mãi mãi trường tồn như vậy. Vì thế ở làng cát quê tôi cái chết là cách đã đến lúc người ta đi vào cát thôi, đi sâu vào cát thôi, thế thôi chứ không phải chết.
Tôi tin như thế.