Sếp nhà băng "rung đùi" thu nghìn tỷ và nỗi ám ảnh của nhân viên
Hàng nghìn tỷ trao tay, ông lớn ngân hàng kiếm bộn từ các thương vụ bắt tay với bảo hiểm
Hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm (bancassurance) giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm nhân thọ đã đem lại nguồn thu nhập khổng lồ và cũng là "nỗi đau" của nhân viên ngân hàng khi chỉ tiêu bán bảo hiểm trở thành nỗi ám ảnh.
Có thể thấy cuộc chạy đua phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng đang ngày càng khốc liệt, trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các ngân hàng.
Nhà băng ngồi |
Các công ty bảo hiểm nhờ thế cũng có được miếng đất màu mỡ nhờ tận dụng nhân lực bán bảo hiểm từ chính các ngân hàng.
Năm 2020, sau khi cắt đứt quan hệ với AIA và Manulife, ACB đã công bố thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền với Sun Life. Khoản phí trả trước khổng lồ (hơn 8.500 tỷ đồng) được ACB phân bổ đều trong suốt thời gian hợp đồng 15 năm. Điều này dẫn đến lượng ghi nhận hàng năm là khoảng 570 tỷ đồng, tương đương với 6% lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ACB.
Cách ghi nhận này được cho là sẽ làm giảm tác động tích cực đến tăng trưởng thu nhập và giá trị sổ sách của ACB nếu được ghi nhận trong thời gian ngắn hơn. Trong khi đó, Vietcombank ghi nhận khoản phí trả trước là 9.200 tỷ đồng trong 5 năm, TPBank đã ghi nhận toàn bộ phí trả trước từ thương vụ bảo hiểm (khoảng 1.800 tỷ đồng) trong năm 2019 và 2020.
Đối với Vietcombank, phí trả trước từ hợp đồng phân phối bảo hiểm được tính cho năm 2020 là gần 1.900 tỷ đồng thu nhập bất thường, tương đương 8% lợi nhuận trước thuế năm 2020. Con số này của TPBank thậm chí còn lớn hơn, 21%.
Năm 2020 là năm đầu tiên Vietcombank bắt đầu bán sản phẩm phân phối bảo hiểm của FWD (kể từ tháng 4/2020), với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu tiên đạt 417 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ, hoàn thành 105% kế hoạch năm. Doanh thu từ phân phối bảo hiểm đạt hơn 230 tỷ đồng, vượt kế hoạch 150 tỷ đồng.
Với Vietinbank, trong năm 2021 ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận 1/5 phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020 – trị giá khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng.
Tại HDBank, thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ và phân phối trái phiếu, tỷ trọng thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động tăng từ 4,8% trong quý 4/2019 lên 8,1% trong quý 4/2020.
HDBank tham vọng tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu đạt 1,2 nghìn tỷ đồng trong 2021 và năm 2023 ngân hàng lọt vào Top 3 về doanh số bán bảo hiểm. Điều này hứa hẹn khách hàng của nhà băng này sẽ được chăm sóc nhiệt tình để đặt bút ký các hợp đồng bảo hiểm.
Với Techcombank, ngân hàng đã dành một năm qua để chuyển đổi mô hình từ giới thiệu sang bán trực tiếp, trong đó nhân viên sẽ tư vấn cho khách hàng. Kết quả là trong qúy 4/2020, thu nhập từ bancassurance tăng 35,5% so với quý trước.
Tuy nhiên, thu nhập phí từ phân phối bảo hiểm giảm 11,2% so với cùng kỳ, đạt 827,321 tỷ đồng do Techcombank gần như dành hẳn 6 tháng đầu năm 2020 cho việc đào tạo nhân viên bán bảo hiểm.
Trong khi đó, tại ngân hàng Phương Đông (OCB), thu nhập từ phí hiện đang xoay quanh hoạt động bancassurance, chiếm tới 67% tổng thu nhập phí năm 2020.
Theo quan hệ đối tác độc quyền với Generali, trong giai đoạn đầu, các nhân viên kinh doanh của OCB sẽ giới thiệu những khách hàng có nhu cầu về sản phẩm bảo hiểm đến các nhân viên tư vấn của Generali. Trong giai đoạn 2 từ tháng 5/2020, ngân hàng áp dụng mô hình bán hàng trực tiếp trong đó nhân viên OCB bán sản phẩm Generali cho khách hàng.
Sau những cú bắt tay giữa ngân hàng-bảo hiểm, nhân viên ngân hàng giờ đây không còn chỉ làm chuyên môn nữa mà doanh số, chỉ tiêu bán bảo hiểm đã trở thành chỉ tiêu chính để đánh giá hiệu quả công việc.
"Với không ít người, đó thực sự là nỗi ám ảnh", Thu Hà, nhân viên tín dụng một nhà băng than thở.
Ngân Giang