Sẽ công bố Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong năm nay
Xây dựng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh là 1 trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT tại Quyết định 950 ngày 1/8/2018 phê duyệt "Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030” (Ảnh minh họa: Thái Anh) |
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, những năm gần đây, xây dựng đô thi thông minh (ĐTTM) đã trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới và là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam hiện cũng đã có nhiều tỉnh, thành phố có kế hoạch và bắt đầu xây dựng các dự án thí điểm về phát triển ĐTTM như: Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ...
Là một trong những địa phương đang triển khai xây dựng ĐTTM, trong tham luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT mới đây, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh Lê Ngọc Hân thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án mô hình thành phố thông minh tại Quảng Ninh.
Cụ thể, theo lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Ninh, việc xây dựng thành phố thông minh tại các tỉnh, thành phố là một nội dung mới, trong nước chưa có mô hình thành công để tham khảo, đánh giá và học tập; một số mô hình và kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới chỉ có thể nghiên cứu, tham khảo về giải pháp công nghệ do đặc thù về hiện trạng, cách thức tổ chức quản lý và cơ chế, chính sách khác nhau.
Người đứng đầu Sở TT&TT Quảng Ninh cũng cho biết, khung kiến trúc thành phố thông minh là một nội dung quan trọng để các dự án xây dựng thành phố thông minh tuân thủ và tham chiếu các yêu cầu của khung kiến trúc nhằm đảm bảo các hệ thống phải thống nhất, liên thông, tích hợp và chia sẻ được thông tin, dữ liệu hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện Bộ TT&TT mới có văn bản hướng dẫn nguyên tắc, định hướng về CNTT&TT (ICT) trong xây dựng thành phố thông minh; chưa ban hành tiêu chuẩn về thành phố thông minh. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện phải tự nghiên cứu, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ quá trình triển khai xây dựng Chính quyền điện tử để đảm bảo đáp ứng được mục tiêu của Đề án, các giải pháp kỹ thuật công nghệ và hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo nguyên tắc tập trung, chia sẻ, liên thông.
Còn theo ông Vương Trinh Quốc-Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lào Cai, với nguồn lực hạn chế, Lào Cai vẫn đang cố gắng thực hiện thử nghiệm bước đầu về xây dựng ĐTTM để chuẩn bị cho một chiến lược hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thử nghiệm trong thời gian quá dài mà vẫn không có những mục tiêu, định hướng, tiêu chí cụ thể hơn, Lào Cai cũng như một số địa phương còn khó khăn khác sẽ rất khó có thể đảm bảo xây dựng thành công ĐTTM trong điều kiện nguồn lực bị phân tán, thử nghiệm với mục tiêu chưa rõ ràng.
Vì vậy, ông Quốc cho rằng, các địa phương như Lào Cai rất cần có định hướng rõ ràng hơn, các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, các tiêu chí ĐTTM. Để có được điều này cần có sự hoạt động mạnh mẽ và chủ động hơn nữa của Bộ TT&TT trong việc dẫn dắt, định hướng và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết.
“Đồng thời, các địa phương cũng cần có sự liên kết chặt chẽ, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đồng hành cùng Bộ TT&TT xác định một mục tiêu cho cả quốc gia. Lào Cai cũng cần có sự tham vấn của các chuyên gia, doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược phát triển đô thị thông minh của tỉnh cũng như lựa chọn giải pháp, công nghệ phù hợp với điều kiện còn khó khăn của tỉnh”, ông Quốc nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc hình thành đô thị thông minh không thể thiếu được nguồn lực đầu tư từ xã hội, việc chỉ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ không bao giờ đảm bảo được mục tiêu luôn luôn biến động, ông Quốc cũng chia sẻ: “Nhưng để huy động được các nguồn lực từ xã hội cần phải có cơ sở và định hướng rõ ràng cùng những thành công bước đầu của Chính quyền thông minh”.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Sở TT&TT Lào Cai đã kiến nghị với Bộ TT&TT cần thống nhất chung một khung kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản mới, trong đó không thể thiếu được các quy định về kiến trúc liên quan đến phát triển ĐTTM. “Bộ TT&TT cũng cần sớm nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí đánh giá ĐTTM của quốc gia, trong đó có các tiêu chí phù hợp với mức độ phát triển tại các địa phương theo vùng miền. Đây cũng là cơ sở để các địa phương có định hướng đúng đắn trong xây dựng ĐTTM”, ông Quốc kiến nghị.
Trong phần giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, đề cấp đến việc các địa phương đang rất chờ đợi Bộ công bố Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM tại Việt Nam cũng như bộ chỉ số KPI cho phát triển ĐTTM ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, Bộ đã nhận thức được điều này và trong kế hoạch công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã giao trách nhiệm cho Cục Tin học hóa chủ trì triển khai các vấn đề liên quan đến ĐTTM.
“Chúng tôi hứa rằng trong nửa đầu năm 2019, các văn bản này sẽ được trình Lãnh đạo Bộ để sớm ban hành, công bố giúp cho các địa phương yên tâm triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước. Khi đó, các địa phương sẽ không còn phải lo ngại cứ phải tự mày mò làm như bây giờ”, ông Phúc nói.
Trong Danh mục nhiệm vụ chủ yếu của Bộ TT&TT năm 2019, các nhiệm vụ triển khai kế hoạch của Bộ TT&TT trong việc thực hiện “Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030” đã được vào, như: xây dựng “Đề án xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ ĐTTM; xây dựng “Đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ĐTTM trong cộng đồng”; xây dựng Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM tại Việt Nam; xây dựng quy định về chia sẻ dữ liệu công cộng, điện toán đám mây và dùng chung hạ tầng ICT trong ĐTTM...