Scotland sử dụng trưng cầu dân ý để “mặc cả” với Anh về Brexit?
Scotland sử dụng trưng cầu dân ý để “mặc cả” với Anh về Brexit? |
Với việc quyết định này được thông qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã có đủ căn cứ pháp luật cần thiết để tiến hành các cuộc đàm phán với London để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về tách Scotland khỏi Anh.
Sáng kiến tổ chức trưng cầu dân ý lần này được Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP) và là Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đưa ra đã nhận được phiếu ủng hộ của 69 nghị sỹ và 59 nghị sỹ bỏ phiếu chống trong phiên họp của Quốc hội Scotland được tổ chức ngày 29/3 (trùng ngày Thủ tướng Anh Theresa May ký phê chuẩn văn kiện kích hoạt Brexit của Anh). Trước đó, Thủ hiến Nicola Sturgeon đã nhấn mạnh rằng nếu như được quốc hội thông qua, cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về tách Scotland khỏi Vương quốc Anh sẽ được tổ chức trong thời gian từ mùa thu năm 2018 đến mùa xuân năm 2019.
Trước đó, Chính phủ Anh đã không ít lần tuyên bố rằng sẽ không tiến hành các cuộc đàm phán với Chính phủ Scotland về cuộc trưng cầu dân ý mới. “Thật là không công bằng khi người dân Scotland yêu cầu thông qua một quyết định quan trọng như vậy trong khi không có các thông tin cần thiết về tương lai quan hệ của chúng ta với châu Âu”- tuyên bố của London nêu rõ.
Hồi đầu tháng 3/2017, bà Nicola Sturgeon đã tuyên bố rằng mùa thu năm 2018 là thời điểm cần thiết, hợp lý để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về độc lập khỏi Vương quốc Anh cho Scotland.
Chủ tịch đảng SNP cũng khẳng định rằng đã có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý lần hai từ mùa thu năm ngoái. Bà Nicola Sturgeon cho biết khi đó có 62% người dân Scotland bỏ phiếu phản đối Brexit và coi việc tiếp cận thị trường chung châu Âu có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Anh.
Tuy nhiên, việc tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về tách khỏi Vương quốc Anh của Scotland có thể bị Chính phủ của bà Theresa May phản đối. Trước đó, bà Theresa May đã tuyên bố rằng việc giữ Scotland trong thành phần Anh là ưu tiên quan trọng đối với bà. Từ đó cho đến nay Thủ tướng Anh vẫn liên tục bác bỏ các nỗ lực đưa vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 của Scotland ra thảo luận.
Được biết, trong cuộc trưng cầu dân ý lần I về việc tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh, người dân Scotland đã bỏ phiếu để tiếp tục giữ Scotland trong thành phần của Vương quốc Anh. Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, đa phần người dân Scotland bỏ phiếu phản đối Brexit nhưng số phiếu của họ chỉ chiếm tỷ lệ khá thấp.
Việc Anh quyết định thực thi Brexit khiến người dân và Chính phủ Scotland khá thất vọng. Do đó, nhiều khả năng nếu thỏa thuận được với Chính phủ của bà Theresa May về tổ chức trưng cầu dân ý lần 2, nhiều khả năng người dân Scotland sẽ lựa chọn phương án tách khỏi Anh để tiếp tục là thành viên EU.