Scotland sẽ ở lại EU và rời khỏi Vương quốc Anh?
“Chúng tôi quyết tâm hành động dứt khoát theo cách tạo nên một khối thống nhất xuyên suốt Scotland”, bà Sturgeon cho phóng viên biết, đồng thời nói thêm rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland rời khỏi Vương quốc Anh.
Năm 2014, người dân Scotland đã từ chối ly khai khỏi Vương quốc Anh sau cuộc trưng cầu dân ý vơi tỷ lệ phản đối 55% so với 45% đồng ý rời đi. Kể từ đó, theo các cuộc khảo sát, tỷ lệ ủng hộ độc lập không có nhiều thay đổi đáng kể nào. SNP cho rằng nhiều người Scotland chọn ở lại Anh là bởi họ tin tưởng đó là cách duy nhất để đảm bảo cho tư cách thành viên Liên minh châu Âu của nước này.
Bà Nicola Sturgeon trong buổi họp với các bộ trưởng Scotland. Nguồn: The Independent |
Tuy nhiên, SNP cũng cảnh báo rằng những kết quả trưng cầu dân ý hôm 23/6 có thể làm thay đổi quan điểm của người dân Scotland và có khả năng cao nước này sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập.
Sau cuộc gặp với các bộ trưởng trong chính phủ Scotland hôm qua, bà Sturgeon cho biết Scotland sẽ không cho phép tư cách thành viên EU của mình bị tước đi và sẽ tìm kiếm sự ủng hộ trong nước và quốc tế để duy trì nó.
“Chúng tôi sẽ tiến hành thảo luận ngay lập tức với các cơ quan EU và các quốc gia thành viên khác để tìm kiếm mọi cơ hội có thể để giữ vững vị trí của Scotland tại EU. Việc tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng rời Anh của Scotland là một lựa chọn sẽ được đưa ra”, bà Sturgeon khẳng định bên ngoài trụ sở chính phủ.
Bộ trưởng Thứ nhất Scotland cũng cho hay sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia để cố vấn cho chính phủ nước này về mặt luật pháp, tài chính và các vấn đề ngoại giao liên quan đến tư cách thành viên EU.
Nếu Scotland quyết định ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh thì đây sẽ là cuộc chia tay chấm dứt 3 thế kỷ lịch sử giữa hai nước cũng như kết thúc một mối quan hệ kinh tế thành công.