Sau uống rượu bao lâu thì nồng độ cồn trong máu bằng 0?
Ảnh minh họa. |
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.
Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Theo thạc sĩ,bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết người dân lo lắng việc uống bia, rượu sau bao lâu thì cơ thể hết nồng độ cồn. Điều này khó xác định vì nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Bác sĩ Nguyên cho biết đầu tiên đó là lượng rượu người đó uống, nồng độ rượu đó là bao nhiêu. Người uống nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao hoặc rượu có nồng độ cồn cao trên 20 độ thì hấp thu cồn càng nhanh hơn. Những người uống rượu khi đói lượng cồn hấp thụ vào máu nhanh hơn là khi ăn thức ăn trước.
Những người uống kéo dài, nghiện rượu thì rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn người thi thoảng mới sử dụng rượu bia.
Việc chuyển hóa và đào thải cồn hoàn toàn phụ thuộc vào tùy từng cá nhân, người khỏe mạnh, người bị tổn thương gan…và thời điểm uống chứ không xác định được chính xác 1 thời gian cố định là bao lâu.
Điều này gây ra thực tế có người uống rượu hôm nay nhưng đến ngày mai trong máu vẫn còn nồng độ cồn và nếu người này điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ vẫn bị “dính nồng độ cồn”. Vì thế, bác sĩ Nguyên cho biết người dân hết sức cẩn trọng. Tốt nhất là không uống bia rượu.
Đối với việc ăn một số loại hoa quả nhiều đường, hoa quả ngâm đường có thể tạo ra nồng độ cồn, điều này bác sĩ Nguyên giải thích một số đồ uống, thức ăn, thuốc là có một chút ethanol. Về thức ăn thì có sô cô la, hoặc các thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả), nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men.
Thuốc thì có siro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng…cũng có lượng cồn nhưng người dân không nên lo lắng vì nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Nế sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.