Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 gặp 5 dấu hiệu này cần đến bệnh viện ngay
Khoa Chấn thương Chỉnh hình Cột sống, Bệnh viện TWQĐ 108 đã xử trí một trường hợp bị liệt hoàn toàn chân trái sau tiêm vắc xin Covid-19 ngày thứ 10.
Một bệnh nhân nam, 52 tuổi, Hải Phòng, tiền sử khoẻ mạnh, sau tiêm vắc xin mũi 2 được 10 ngày bệnh nhân đi vệ sinh đột ngột xuất hiện yếu liệt chân trái, ngã khuỵu xuống nền nhà và không thể đi tiểu tiện được bình thường. BN được chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, liệt hoàn toàn chân trái, tiểu tiện qua sonde, mất cảm giác hoàn toàn từ nếp bẹn đùi trái trở xuống.
Tại Bệnh viện TWQĐ 108, sau khi được thăm khám và chụp chiếu cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng, BN được chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa do có khối tăng tỷ trọng gây chèn ép tuỷ ngang mức L2-3 và có chỉ định mổ cấp cứu. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa lên mổ cấp cứu. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã phát hiện một khối màu đỏ sẫm nằm trong tuỷ, chèn ép vào rễ thần kinh và tuỷ sống ngang mức L2-3 và quyết định lấy bỏ, giải phóng chèn ép tuỷ sống cho bệnh nhân.
Bs Phạm Trọng Thoan, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Cột sống – BV Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo cho các cơ sở y tế tuyến dưới cũng như mọi người cách thức sơ bộ chẩn đoán và thái độ xử trí hội chứng đuôi ngựa, là bệnh lý cột sống ít gặp nhưng nếu không xử trí kịp thời có thể để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh.
Đặc điểm của hội chứng này là đau thắt lưng, đau hông lan xuống mông, mặt sau đùi-cẳng chân, mất cảm giác đùi-cẳng chân; tê bì vùng hậu môn, bẹn bìu; bí đại tiểu tiện… Khi có các triệu chứng này phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và các cơ sở y tế khi gặp triệu chứng này phải nghĩ ngay đến khả năng hội chứng đuôi ngựa và có thái độ xử trí cấp cứu kịp thời.
Ảnh minh hoạ. |
BS. Trần Huy Hùng – Khoa Chấn thương Chỉnh hình Cột sống, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết theo hiệp hội chăm sóc sức khoẻ và y khoa Vương Quốc Anh, dù rằng đã có nhiều trường hợp đông máu được ghi nhận và báo cáo trên toàn thế giới.
Nhưng dựa trên số lượng mũi tiêm, hiệu quả của vắc xin mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, mọi người dân nên tiêm chủng đầy đủ ngay khi có thể. Mỗi người dân nên nắm và theo dõi sát các dấu hiệu sau khi tiêm, nếu có thì phải liên hệ nhân viên y tế và đến viện kiểm tra ngay như sau:
Thứ nhất, sau tiêm về đau đầu dữ dội đột ngột mà thuốc giảm đau không có hiệu quả hoặc tệ hơn. Đau đầu nặng lên khi nằm hoặc nghiêng người.
Thứ hai, nhìn mờ, buồn nôn, nôn; nói khó.
Thứ ba, yếu chân, ý thức lơ mơ, giao tiếp chậm
Thứ tư, nổi vết, chấm xuất huyết dưới da.
Thứ năm, thở ngắn, khó; đau ngực, phù chân, đau bụng dai dẳng.
Vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đang có vai trò quan trọng trong việc chống lại đại dịch trên toàn thế giới, dù rằng vẫn có những trường hợp rải rác ghi nhận về biến chứng đông máu sau tiêm, nhưng lợi ích của vắc xin là lớn hơn rất nhiều so với rủi ro.
Do đó, mỗi người dân hãy tiêm vắc xin ngay khi có thể và chủ động nắm được, dự phòng cũng như có thái độ xử trí đúng để phòng tránh biến chứng đông máu sau tiêm nói chung, cũng như bệnh lý hội chứng đuôi ngựa nói riêng.
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 13h30 ngày 14/1 cho biết, cả nước đã tiêm 165.524.173 liều vắc xin, trong đó ngày 13/1, tiêm 1.041.860 liều.
Bộ Y tế cho biết, trong tổng số 206,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ tổng số 187,6 triệu liều , còn khoảng 18,9 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin.
Đến ngày 13/1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 150.253.014 liều, trong đó có 70.425.386 mũi 1; 65.511.252 mũi 2; 1.315.622 mũi 3 (vắc xin Abdala); 3.792.525 liều bổ sung và 9.208.229 liều nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin là 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Phương Thúy