Sau hàng loạt vụ đuối nước thương tâm: Đâu là nguyên nhân chính?
Địa điểm3 học sinh ở xã Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị đuối nước. |
Mới bắt đầu vào hè 2019 nhưng đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Mới nhất là ngày 25/5, nhóm 6 nữ sinh lớp 6 ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) rủ nhau đi tắm suối, thì có tới 4 em tử vong do đuối nước.
Trước đó ngày 23/5, sau lễ tổng kết năm học, 8 học sinh tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình rủ nhau tắm sông và 3 em trong số đó chẳng may thiệt mạng do trượt chân, đuối nước.
Ngày 21/5, do được nghỉ học, nên 3 học sinh nữ cùng nam sinh Trường THCS ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ra sông tắm, do gặp phải dòng nước sâu rồi cả nhóm bị cuốn trôi khiến 4 em tử vong...
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm nói trên, ông Phạm Ngọc Trung - Giám đốc Dự án Phổ cập bơi thuộc Công ty CP Thể thao giải trí Bằng Linh cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến tử vong của một số vụ đuối nước trên, không phải vì các em không biết bơi mà do không được trang bị kỹ năng mềm trong phòng chống đuối nước".
Theo ông Trung, trong các vụ đuối nước của học sinh thì hầu hết các em đều biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Ví dụ vụ việc ở Hòa Bình (ngày 22/3, 8 học sinh ra sông Đà tắm rồi bị đuối nước-PV), tất cả các em đều biết bơi và thường xuyên hoạt động thể thao. Nhưng do gặp vùng nước nguy hiểm, các em lại thiếu kỹ năng mềm nên dẫn đến việc 8 em cùng tử vong thương tâm.
Thêm một lý do dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ đuối nước thương tâm mà chủ yếu xảy ra tại các vùng nông thôn, ngoại thành là do những khu vực đó thường xuyên có vùng nước nguy hiểm. "Những vùng nước nguy hiểm thường xoáy và có nhiệt độ thấp. Khi bị rơi xuống đó, ngay cả người lớn cũng rơi vào tình trạng hoảng loạn, dẫn đến không điều khiển được chân tay, nhịp thở và rơi vào trạng thái đuối" - ông Trung phân tích.
Theo ông Trung, một em học sinh dù không biết bơi nhưng vùng vẫy dưới nước thì khoảng 1 phút sau mới chìm. Nhưng nếu 2 em ôm vào nhau thì chỉ khoảng 10 giây, cả hai sẽ chìm. Như vậy, quãng thời gian 1 phút đủ để các em tìm người trợ giúp hay tìm vật dụng cứu hộ. Đấy là chưa kể nếu sau một phút mà bị chìm xuống nước, trong thời gian ngắn này mà các em được người khác kịp thời vớt và đưa được lên bờ thì vẫn có nhiều khả năng cứu sống.
"Việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước rất cần sự vào cuộc của Đoàn Thanh niên cơ sở, bởi những vụ đuối nước thương tâm chủ yếu xảy ra vào thời điểm nghỉ hè. Nếu Đoàn Thanh niên cơ sở chỉ tập trung vào sinh hoạt hè, các hoạt động văn thể mỹ thì chưa đủ. Cần phải có các buổi dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh" - ông Trung gợi ý.
Cảnh báo thêm về tình trạng đuối nước đang ngày một phổ biến, Trung tá Khúc Nguyên Khánh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Bắc Từ Liêm phân tích: "Nhiều cha mẹ cho rằng, nếu trẻ đã biết bơi thì hoàn toàn yên tâm khi con đi bơi và chuyện đuối nước là tình huống không thể. Tuy nhiên, đây lại là quan điểm sai lầm!".
Theo ông Khánh, nguyên nhân khiến trẻ dễ dàng bị đuối là do trẻ có tính hiếu động, đi từ chỗ nông đến chỗ sâu và khi chân không chạm được đến đáy (bể bơi, sông, suối...) dẫn đến tình trạng hoảng hốt. Hoặc khi đang bơi có cảm giác chân không chạm đáy liền bị giật mình, khiến nhịp tim và nhịp thở tăng rất nhanh, dễ dẫn đến tình trạng bị sặc nước và ngạt nước ngay trong giai đoạn này.
Ngoài ra, ông Khánh cũng chỉ thêm một số nguyên nhân khác khiến trẻ biết bơi vẫn đuối nước là do chưa tuân thủ một quy trình nhất định, trước khi bơi cần khởi động làm nóng người, làm nóng cơ, làm mềm các khớp, tiếp nước làm quen với nhiệt độ cũng như nhịp thở dưới nước. Nếu làm đúng quy trình này sẽ không bị ngợp nước.
Được biết, mỗi năm, Cty Bằng Linh đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội và UBND 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố dạy cho khoảng 15.000 em học sinh và khoảng 30.000 em được học kỹ năng phòng chống đuối nước hàng năm...