Sau đảo chính, thế lực Tổng thống Erdogan ngày càng mạnh hơn
Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 nổ ra, đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) cầm quyền do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thành lập đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến chính trị với phe cánh ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Cuộc xung đột này đang khiến phương Tây lo ngại, trong khi quốc gia có đường biên giới sát với Iraq và Syria này trở nên bất ổn.
![]() |
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại một khu vực ở thủ đô Ankara để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan. |
Ông Erdogan cáo buộc ông Gulen là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính vừa qua, đồng thời đã bắt giữ hơn 60.000 người nhằm loại bỏ cái mà ông này gọi là “virut Gulen”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những vụ tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành, trong khi xung đột giữa chính phủ và cộng đồng người Kurd ở miền Đông Nam đất nước vẫn chưa có hồi kết.
“Bọn chúng là những kẻ phản quốc”, ông Erdogan trả lời hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn. Ông mô tả phe cánh của Gulen giống như “một loại bệnh ung thư” và coi những người này “giống như một tổ chức khủng bố” và quyết tâm triệt tiêu tận gốc.
Về phần mình, ông Gulen phủ nhận có kế hoạch lật đổ chính phủ và cho rằng vụ đảo chính này có thể đã được dàn dựng để có cớ loại bỏ những người ủng hộ ông. Những người này, trong đó có cả những nhà báo uy tín, hiện đang lẩn trốn hoặc tìm cách thoát ra nước ngoài.
Một nhà báo giấu tên đang làm việc cho một tờ báo theo tư tưởng chính trị của Gulen cho biết: “Tôi đã khuyên đồng nghiệp của mình không nên đến tòa soạn để đảm bảo an toàn. Tờ báo giờ đây có thể nói là không còn hoạt động nữa. Tôi đang rất lo lắng cho gia đình cũng như cho bản thân mình. Bây giờ ra ngoài đường rất nguy hiểm”.
Nhà báo này nói thêm: “Tôi có thể sẽ bị bắt nếu ở nhà có một cuốn sách do Gulen viết. Người theo chủ nghĩa Gulen nào cũng sợ liên lạc với bạn bè mình do lo ngại họ cũng sẽ bị bắt. Đâu đâu cũng bao trùm một nỗi sợ hãi”.
Ông Erdogan từng là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 cho đến năm 2014, khi ông được bầu làm Tổng thống. Vào những năm 2007 – 2008, ông Erdogan đã quay sang liên kết với ông Gulen, người được nhiều người trong ngành cảnh sát, tư pháp và công chức ủng hộ, trong bối cảnh quân đội và nhiều quan chức chính phủ đang cố làm suy giảm ảnh hưởng của đảng AKP.
Ông Gulen sống tại bang Pennsylvania (Mỹ) kể từ năm 1999, và đã thành lập một tổ chức truyền bá đạo Hồi có tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới, đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục, tiến bộ khoa học, bình đẳng tôn giáo và xóa bỏ đói nghèo.
Ông Erdogan và đảng AKP phụ thuộc rất nhiều vào những người ủng hộ Gulen, và chính những người này đã tổ chức hai phiên tòa lớn nhằm vào những quan chức cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ những đối thủ chính trị quan trọng, qua đó giúp AKP không bị cấm hoạt động chính trị.
Thế nhưng, sau khi đảng AKP thoát khỏi sự khống chế của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã có nhiều quyền lực trong tay mình và dần xa rời những người ủng hộ Gulen.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.