Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc “vươn vòi” tới Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho hay, ông đang tiến hành thảo luận với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Damascus muốn có thêm nguồn tài chính tái thiết đất nước sau chiến tranh còn Bắc Kinh tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.
Syria muốn tham gia"Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc để thu hút các nguồn đầu tư nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia hậu chiến tranh. (Ảnh minh họa) |
Chia sẻ trong bài phỏng vấn trên kênh truyền hình Phoenix TV hôm 16/12, Tổng thống Assad cho hay ông đã đề xuất hàng loạt dự án với chính quyền Bắc Kinh với hy vọng thu hút nguồn đầu tư nhằm tái thiết đất nước sau chiến tranh.
“Đây là lợi ích cho đôi bên, nó có lợi cho Trung Quốc, Syria và tất cả các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Assad nói.
Trong những năm qua, Trung Quốc liên tiếp có những nỗ lực tái khôi phục những tuyến đường thương mại lịch sử nối với Trung Đông thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường có tổng giá trị đầu tư nước ngoài lên tới 1 ngàn tỉ USD.
Cụ thể, Bắc Kinh đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài chính cho nhiều nước ở Trung Đông như ký kết hàng loạt thỏa thuận với Ai Cập, Qatar, Ả Rập Xê-út và nhiều quốc gia khác. Hồi tháng Tư, quốc gia dầu tài nguyên dầu mỏ Syria cũng lần đầu tiên được Trung Quốc mời tham dự một hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Chúng tôi đã đề xuất khoảng 6 dự án với chính quyền Trung Quốc theo đường lối của Sáng kiến Vành đai và Con đường và chúng tôi đang chờ đợi phản ứng của Bắc Kinh”, Tổng thống Assad nói.
“Tôi cho rằng, khi dự án cơ sở hạ tầng được phát triển, theo thời gian, Vành đai và Con đường xuyên qua Syriakhông còn là đường vẽ trên bản đồ mà là một tuyến đường tất yếu", ông Assad nhấn mạnh.
Cuộc nội chiến suốt 8 năm qua đã phá hủy gần như toàn bộ các thành phố và hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của Syria. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, thiệt hại do chiến tranh khiến Syria hứng chịu lên tới hơn 388 tỉ USD và giảm năng suất lao động so với GDP khoảng 268 tỉ USD. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Syria phải mất ít nhất một thập kỷ để tái thiết đất nước.
Trong khi đó, EU cảnh báo sẽ chỉ hỗ trợ tái thiết Syria khi chính quyền của Tổng thống Assadtiến hành chuyển đổi chính trị đáng tin cậy.
Đáng nói, Mỹ lại áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Damascus và cảnh báo các cá nhân và doanh nghiệp vận tải biển không nên vi phạm lệnh cấm vận mà Washington đang thi hành với Syria.
Trong những năm qua, chính quyền của Tổng thống Assad dựa chủ yếu vào các đồng minh như Iran và Ngaviện trợ tài chính để đổi lấy tài nguyên và sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria.
Ngoài ra, chính quyền Damascus cũng đang khuyến khích khoảng 6 triệu người Syria đi tị nạn vì chiến tranh quay trở về quê hương sinh sống. Song quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân cần phải được hoàn thành trước khi họ quay về.