Rò rỉ bản báo cáo thuế đẹp của Tổng thống Donald Trump
Washington Post cho biết, tài liệu hoàn thuế của ông Trump dài hai trang, do phóng viên điều tra từng đoạt giải thưởng Pulitzer, David Cay Johnston là người đầu tiên có được. Ông Johnston đã công khai tài liệu này trên chương trình tối thứ Ba của kênh MSNBC có tên “The Rachel Maddow Show”.
Washington Post cho hay tờ báo không thể xác định tính chân thực của tài liệu này một cách độc lập. Tuy nhiên tuyên bố từ Nhà Trắng đã lên tiếng xác thực báo cáo trên. Theo đó, tuyên bố được gửi tới các phóng viên dưới danh nghĩa phát ngôn viên Nhà Trắng, đã cáo buộc MSNBC làm trái luật khi công khai tài liệu hoàn thuế của ông Trump.
“Khi các bạn quá tuyệt vọng về xếp hạng hay tỉ suất người xem thì các bạn sẵn sàng vi phạm luật pháp để đẩy lên câu chuyện về hai trang hoàn thuế từ một thập kỷ trước”, tuyên bố cho biết. Tuyên bố này cũng nói thêm rằng, ông Trump “là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới” và đã trả “đủ số thuế theo pháp luật quy định, không hơn không kém”.
Tuyên bố cũng khẳng định: “Tổng thống Trump đã trả 38 triệu USD cho khoản thu nhập hơn 150 triệu USD của mình dù vừa mới trải qua một quá trình thâm hụt vốn vào đầu tư bất động sản, cũng như đã trả hàng chục triệu USD các khoản thuế khác như thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế nhân công… và tài liệu hoàn thuế được công bố một cách bất hợp pháp trên đã chứng minh điều đó. Đây hoàn toàn là một hành động trái pháp luật khi đánh cắp và công bố bản hoàn thuế trên. Truyền thông giả dối có thể tiếp tục đi theo con đường của họ còn Tổng thống sẽ tiếp tục theo đuổi con đường của mình, bao gồm cả cải cách thuế để có lợi cho toàn bộ người dân Mỹ”.
Thông tin về khoản hoàn thuế trên cũng cho thấy ông Trump và bà Melania đã trả khoảng 5,3 triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang đều đặn và một khoản khác là 31 triệu USD “thuế tối thiểu thay thế”, đây là loại thuế đặc biệt được cải tiến nhằm mục đích bảo đảm rằng các cá nhân hay công ty giàu có phải chi trả thêm thuế một khoản thuế hợp lý.
Ông Trump luôn từ chối công bố các tài liệu hoàn thuế của cá nhân. Nguồn: Washington Post |
Từ trước đến nay, tỷ phú Donald Trump luôn từ chối công bố thông tin hoàn thuế của mình, lấy lý do là các khoản này đang được Cơ quan Ngân sách quốc gia kiểm toán.
Thông thường, các Tổng thống Mỹ và những ứng viên chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ công khai các khoản hoàn thuế của mình. Các chuyên gia cho rằng việc kiểm toán của Cơ quan Ngân sách quốc gia không cấm bất kỳ ai công bố các tài liệu đó.
Theo truyền thông Mỹ, đã có những khoảng thời gian ông Trump không phải trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào, bao gồm ít nhất là hai năm cuối những năm 1970, theo tài liệu mà Washington Post có được trong báo cáo của Hội đồng chống cờ bạc của New Jersey năm 1981.
Ngoài ra, New York Times cũng từng cho biết vào tháng 10 năm ngoái rằng tập đoàn của ông Trump đã tuyên bố thua lỗ năm 1995 và điều đó giúp ông tránh được việc trả thuế thu nhập trong vòng 18 năm tiếp theo.
Trong một cuộc tranh luận hồi tháng 9/2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chỉ trích đối thủ Donald Trump vì không chịu trả thuế thu nhập. Khi đó, Tổng thống Trump đã đáp lại rằng: “Điều đó chứng tỏ tôi rất thông minh”.
Mỹ cắt giảm 50% tài trợ cho Liên Hiệp Quốc
Telegraph đưa tin, Tổng thống Donald Trump sẽ đề nghị cắt giảm hơn 50% nguồn tài chính mà Mỹ cung cấp cho Liên Hiệp Quốc. Động thái chưa có tiền lệ này gây ra những lo ngại rằng các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc khắp thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đó, những thông tin chi tiết đầu tiên về đề nghị trên có thể được đưa ra vào ngày 16/3 khi Nhà Trắng công bố ngân sách cho năm tới.
Trước đó, ông Trump tuyên bố về dự định cắt giảm hàng tỷ USD để dành tiền cho kế hoạch mở rộng các lực lượng vũ trang mà không tăng thuế. Theo đó, giới chức ngoại giao Mỹ đã được yêu cầu tìm các khoản cắt giảm hơn 50% nguồn tài chính của Mỹ cho các chương trình của Liên Hiệp Quốc.
Hiện thời, Mỹ đóng góp khoảng 10 tỷ USD cho Liên Hiệp Quốc mỗi năm, trở thành nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này. Nguồn tài chính đó bao gồm các khoản phí bắt buộc và các khoản thanh toán cho các tổ chức, quỹ và chương trình, như chương trình gìn giữ hòa bình.
Động thái trên diễn ra vào thời điểm Liên Hợp Quốc đang phải giải quyết với cuộc khủng hoảng tị nạn gây ra do chiến tranh ở Syria và trong bối cảnh tổ chức này cũng kêu gọi các nguồn quỹ để trợ giúp 20 triệu người đang đối mặt với tình trạng thiếu ăn ở Yemen, Somalia, Nam Sudan và Nigeria.