Rex Tillerson: Mỹ không kích Syria nhằm cảnh báo nhiều nước, gồm cả Triều Tiên
Theo ông Tillerson, "các nước khác sẽ nhận phản ứng tương tự của Mỹ nếu bị coi là nguyên nhân gây nguy hiểm", ông Tillerson nói sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào một căn cứ quân sự ở Syria trước cáo buộc quân chính phủ ủng hộ Tổng thống Assad tiến hành vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường ở tỉnh Idlib hồi tuần trước.
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. |
Cũng theo ông Tillerson, sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với việc hải quân Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay tới gần bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã đồng thuận với Washington và coi đây là hành động cần thiết để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi cuộc không kích hôm 7/4 của Mỹ nhằm vào một căn cứ quân sự ở Syria có phải là thông điệp mà Mỹ muốn nhắn gửi tới Triều Tiên, ông Tillerson cho hay: "Đây là thông điệp gửi tới mọi quốc gia. Nếu một quốc gia nào đó vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và không thực thi các cam kết và nếu một quốc gia nào đó trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia khác, họ cũng sẽ nhận phản ứng tương tự".
"Liên quan tới vấn đề Triều Tiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ muốn giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên", Reuters dẫn lời ông Tillerson.
Khi chia sẻ với kênh CBS, ông Tillerson còn cho biết: "Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu rõ vấn đề và ông ấy hiểu rằng tình hình đang rất căng thẳng. Mối đe dọa từ Triều Tiên đã tới mức cần phải có hành động".
Cũng trong ngày 9/4, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông H.R. McMaster cho hay Tổng thống Trump sẽ xem xét các phương án loại bỏ "mối đe dọa" từ lực lượng tên lửa Triều Tiên.
Giới chức Triều Tiên bao gồm nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nhiều lần có những tuyên bố ám chỉ Bình Nhưỡng sẽ cho tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong thời gian tới mà có thể là ngày 15/4, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh nhật của chủ tịch Kim Nhật Thành.
Hôm 8/4, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu của hải quân Mỹ đã thực hiện hành trình di chuyển từ Singapore về gần khu vực bán đảo Triều Tiên. Đây được xem là hành động phô trương sức mạnh của quân đội Mỹ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa Scud.
Trong số những phương án mà Mỹ đang cân nhắc nhằm loại bỏ mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên bao gồm các biện pháp kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, Mỹ hiện đang nghiêng về phương án gia tăng lệnh trừng phạt và tăng áp lực với Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.