Reuters: Nga điều lực lượng đặc biệt tới biên giới Libya?
Lực lượng Đặc nhiệm Nga |
Hãng Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao của Mỹ và Ai Cập cho biết, Lực lượng đặc biệt của Nga đã xuất hiện tại căn cứ không quân ở khu vực phía Tây Ai Cập. Hãng tin nhận định, thực tế này đã chỉ ra rằng trong tương lai gần vai trò của Moscow trong cuộc xung đột tại Libya có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên tiết lộ, vài ngày trước Lực lượng đặc biệt Nga và các máy bay không người lái đã được điều đến thị trấn Sidi Barrani, khu vực cách biên giới Ai Cập và Libya khoảng 100 cây số.
Một nguồn tin từ cơ quan an ninh Ai Cập cho hay Lực lượng đặc biệt Nga gồm có tất cả 22 người, nhưng người này từ chối thông tin về thực chất nhiệm vụ của phía Nga.
Reuters cũng không loại trừ khả năng rằng Lực lượng đặc biệt được điều đến là do gần đây chỉ huy quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar đã có nhiều thất bại trong việc điều hành. Dưới sự lãnh đạo của ông này, quân đội đã bị giáng một đòn đau khi không bảo vệ được một số cảng dầu vào đầu tháng Ba vừa rồi.
Hiện thông tin về sự xuất hiện của Lực lượng đặc biệt Nga tại biên giới Libya vẫn chưa được chính thức xác nhận. Bộ Quốc phòng Nga cũng không đưa ra ý kiến về vấn đề này. Về phần mình, ban chỉ huy quân đội Mỹ đã từ chối các câu hỏi của phóng viên, còn đại diện quân đội Ai Cập cho biết "chưa có binh lính nước ngoài" nào hiện diện ở lãnh thổ nước này.
Nguồn tin tình báo Mỹ cũng chỉ nhận định rằng, thực sự rất khó xác định được sự tham gia của quân đội Nga, bởi Moscow hiện đang sử dụng các nhân sự hợp đồng hoặc các nhân viên không có biên chế trong quân đội.
Trước đó Reuters đề cập đến báo cáo của lãnh đạo Công ty quân sự tư nhân của Nga "SCR group" Oleg Krinitsin cho biết, hàng chục nhân viên của công ty đang thực hiện các hoạt động tại Libya đã trốn khỏi đất nước sau khi hoàn thành công việc vào tháng Hai vừa rồi. Được biết, nhiệm vụ của họ là giải phóng mặt bằng một cơ sở công nghiệp ở Benghazi.
Chỉ huy chiến dịch của lực lượng không quân Libya và căn cứ không quân Benin, Tướng Mohammed al-Manfur đã sớm phủ nhận thông tin này, và cho biết các nhà chức trách Libya không ký kết hợp đồng với các công ty quân sự tư nhân từ Nga, và "bất kỳ thỏa thuận hoặc các cuộc họp với phía Nga đều là chính thức và phải được chính phủ Nga và chỉ huy của quân đội Libya thông qua".
Giới phân tích cho rằng đây là lời cảnh báo nghiêm khắc với Washington trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đang ngày càng mờ nhạt, còn tại vùng Địa Trung Hải thì vai trò của Mỹ cũng sụt giảm bởi hậu quả của việc xoay trục trong chiến lược quan hệ đối ngoại của Washington thời chính quyền Tổng thống Obama.