Reuters: Nga có trung tâm xây dựng kế hoạch làm “rung lắc” bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin |
Nhận định trên được hãng thông tấn Reuters đưa ra dựa trên nguồn tin từ 3 quan chức cấp cao đương nhiệm và 4 cựu quan chức trong chính quyền Mỹ cung cấp.
Các nguồn tin này đã cung cấp cho Reuters 2 văn kiện mật của RISI. Chính các văn kiện này đã cho phép các cơ quan mật vụ Mỹ đi đến kết luật về việc Nga đã nỗ lực can thiệp vào quá trình vận động tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Các nhân viên tình báo Mỹ đã có được các tài liệu này ngay sau ngày tổ chức bầu cử Tổng thống 8/11/2016.
Hãng thông tấn Reuters sau đó gọi RISI là “trung tâm phân tích của Chính phủ Nga do Tổng thống Putin kiểm soát”, đồng thời nhấn mạnh rằng viện nghiên cứu này được lãnh đạo bởi các cựu quan chức cấp cao của Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) và các chức danh lãnh đạo này được bổ nhiệm bởi Tổng thống Putin.
Cần nhấn mạnh rằng từ năm 2009 đến tháng 1/2017, chức vụ Giám đốc RISI do trung tướng về hưu Leonhid Leshetnikov của SVR đảm nhiệm, sau đó chức vụ này được thay thế bằng ông Mikhail Fradkov, cựu Giám đốc SVR.
Theo các nguồn tin cung cấp thông tin cho Reuters, văn kiện đầu tiên của RISI (trong gói 2 văn kiện bị các điệp viên Mỹ phát hiện) được lập từ tháng 6/2016 và được gửi đến “giới lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Nga nhưng không nêu rõ tên cụ thể”.
Văn kiện này gồm những kiến nghị về việc bắt đầu chiến dịch tuyên truyền để đưa lên các trang mạng xã hội và các cơ quan thông tấn quốc gia của Nga. Mục đích của chiến dịch này là “thúc đẩy cử tri Mỹ đi bầu cử Tổng thống và lựa chọn ứng cử viên có quan điểm mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga so với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm khi đó là Barack Obama”.
Theo các nguồn tin của Reuters, quan điểm được đưa ra trong văn kiện được biên soạn tháng 6/2016 là sự tiếp nối của quan điểm đã được Tổng thống Putin đưa ra từ hồi tháng 3/2016. Khi đó, Điện Kremlin đã giao cho các hãng thông tấn của nhà nước, trong đó có kênh truyền hình “Nước Nga ngày nay” (RT) và hãng thông tấn Sputnik, “bắt đầu lan truyền các thông tin tích cực về mong muốn trở thành Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump”.
Kremlin thay đổi chiến thuật khi thấy Hilary Clinton có khả năng chiến thắng
Văn kiện thứ 2 của RISI được soạn thảo vào tháng 10/2016 và cũng được phổ biến như văn kiện đầu tiên, nhưng lại đưa ra các thông tin về khả năng ứng cử viên Hilary Clinton sẽ giành chiến thắng. Chính vì vậy, theo người lập văn kiện, Nga cần phải ngừng chiến dịch tuyên truyền ủng hộ ông Donald Trump.
Tuy nhiên, thay vì đưa ra khuyến cáo này, RISI lại đề xuất cần tập trung các nỗ lực để lan truyền các thông tin về sự vi phạm bầu cử ở Mỹ. Đây là cách thức để “phá hủy tính chính thống, hợp pháp của hệ thống bầu cử Mỹ nói chung và đem đến tổn thất đối với uy tín của bà Hilary Clinton, hạn chế khả năng bà Hilary có thể giành chiến thắng”- Reuters cho biết.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Các vụ tấn công mạng có thể là chiến dịch riêng rẽ của tình báo Nga
Cũng theo các nguồn tin trên của Reuters, trong 2 văn kiện của RISI không có văn kiện nào đề cập đến việc cần phải tiến hành các vụ tấn công mạng vào các máy chủ của đảng Dân chủ nhằm can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Các nguồn tin này cho biết các vụ tấn công mạng có thể là chiến dịch mật riêng biệt do các cơ quan mật vụ Nga tiến hành mà không có sự tham gia của Kremlin.
Chiến dịch tuyên truyền và các vụ tấn công mạng hỗ trợ trực tiếp cho nhau. RT và Sputnik đã rất tích cực đưa ra các thông tin về các bức thư đánh cắp được từ trang chủ của đảng Dân chủ.
Trong khi đó, chính các văn kiện của RISI là cơ sở để chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra kết luận về việc Nga đã thực hiện chiến dịch “thông tin giả” và bắt đầu tấn công vào các trang chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. “Ông Putin chỉ có mục đích này và giành nhiều thời gian hiện thực hóa mục đích của mình. Ông đã yêu cầu RISI vạch ra lộ trình thực hiện”- một trong các cựu quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ với Reuters.
Mặc dù tiết lộ các thông tin này với Reuters nhưng các nguồn tin cung cấp thông tin lại từ chối thông tin về cách thức tình báo Mỹ có được các văn kiện của RISI. Các cơ quan mật vụ Mỹ cũng từ chối đưa ra bình luận về nội dung các tài liệu này. Cơ quan Báo chí của Tổng thống Nga và chính RISI cũng từ chối bình luận.
Các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cho đến nay vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào cho thấy các cố vấn của ông Donald Trump đã tiến hành thỏa thuận với các quan chức Nga để tác động đến kết quả quá trình vận động tranh cử.