Rau dền bổ máu
Mùa hè có một loại rau phổ biến đó là rau dền. Rau dền không chỉ là loại rau đơn thuần mà còn là một cây thuốc nam với nhiều tác dụng quý.
Rau dền tính mát, thanh nhiệt, sát trùng. Khi bị nóng trong dễ sinh mụn nhọt, chỉ cần uống nước rau dền luộc có thể khỏi nhanh chóng.
Dền đỏ có lợi cho bệnh nhân thiếu máu
Rau dền có nhiều loại nhưng phổ biến và được nhiều người sử dụng là rau dền đỏ. Dền đỏ có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, lợi tiểu, sát trùng, trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt, lợi tiểu…
Rau dền nói chung có rất nhiều dưỡng chất nhưng rau dền đỏ mang đặc tính chung của các họ rau củ màu đỏ nên chứa hàm lượng vitamin A rất cao, nhiều vitamin B1, B6, B12. Tuy hàm lượng sắt và canxi trong rau dền đỏ khá cao, nhưng rau dền lại không chứa axit oxalic, nên hai chất này được cơ thể hấp thụ và tận dụng dễ dàng.
Sắt là khoáng chất cơ thể cần rất ít nhưng thiếu nó sẽ sinh nhiều bệnh tật. Nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, thiếu máu do thiếu sắt chiếm tới 95% các trường hợp thiếu máu dinh dưỡng. Tại các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt chiếm 25% trẻ sơ sinh, 30% phụ nữ mang thai, 15% phụ nữ trong thời kỳ hành kinh và 12% ở các cháu tuổi đang lớn.
Rau dền bổ máu |
Tại nhiều nước nghèo, tỷ lệ thiếu máu do thiếu chất sắt lên tới 60% phụ nữ và trẻ em đang tuổi lớn. Ở Việt Nam, thiếu máu do thiếu chất sắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Thiếu máu làm giảm khả năng tập trung học tập, trẻ thiếu máu sẽ thiếu năng lượng cho việc học tập, vui chơi ảnh hưởng tới kết quả học tập và phát triển trí tuệ, ở phụ nữ – làm gia tăng nguy cơ tử vong thai phụ và trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao, yếu ớt, chậm phát triển.
Thiếu hụt chất sắt trong cơ thể có thể gây thiếu máu trong khi đó, hàm lượng sắt rất lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Bởi vậy đây là loại rau rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Dền gai giàu canxi
Bên cạnh dền đỏ, dền gai cũng là loại rau tốt trong việc phòng trị chứng thiếu máu. Theo y học cổ truyền, rau dền gai có vị ngọt tính mát, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, chỉ huyết.. thường dùng chữa chứng kiết lỵ, bí đại tiểu tiện, đau mắt đỏ, bí đại tiểu tiện, đau họng, chảy máu cam…
Theo dược tính hiện đại, trong 100g rau dền gai cung cấp cho cơ thể 20 kcalo, trong đó có chứa 91,7g nước, 3,6g protein, 3,4g glucid, 1,6g chất xơ, 46mg vitamin C, 20 mg carotene… là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Trong rau dền gai hàm lượng chất sắt nhiều gấp 2 lần cải bó xôi, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần nên rất tốt cho sức khỏe. Dền gai thường dùng làm rau ăn, trị phù thũng, bệnh về thận, chữa lỵ và làm thuốc điều kinh.
Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc chữa bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm, được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt dùng để đắp, băng bó chấn thương…Để trị tăng huyết áp cho người cao tuổi, người ta lấy dền đỏ hoặc dền gai, lá mã đề, lá dâu bánh tẻ rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hàng ngày. 10 ngày 1 liệu trình.
Tuy nhiên, các loại rau dền có tính lạnh, dễ gây đi ngoài, nên không dùng cùng với các thức ăn có tính lạnh như tiết canh, huyết luộc, rau cải…Lợi dụng tính lạnh của rau dền, nếu muốn trị táo bón có thể lấy rau dền nói chung 1 nắm, nhặt sạch, rửa rồi luộc chín tới chấm với muối vừng đen ăn rất công hiệu. Cách đơn giản hơn là nấu canh ăn hằng ngày để mát gan, phòng chống rôm sảy, chống táo bón trong những ngày trời nóng.
Theo Lương y Hoài Phương/ SKĐS
Tránh ăn rau dền với quả lê: Các chuyên gia cảnh báo, nếu ăn rau dền cùng với quả lê dễ gây nôn.
Người bị tiêu chảy không nên ăn: Rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tiêu chảy mạn tính, lạnh bụng…
Không ăn rau dền với thịt ba ba: Theo Đông y, việc kết hợp hai thực phẩm này với nhau có thể gây độc vô cùng nguy hiểm. Để giải độc, mọi người cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.
Nguồn tin: khoevadep