Quy trình thu gom 'vật thể lạ' tại sân bay Nội Bài
Sau một số vụ tàu bay bị rách lốp, cán đinh gần đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo khẩn yêu cầu các cảng hàng không tăng cường công tác kiểm tra.
Ngày 7/7, Cục Hàng không Việt Nam chủ trì họp và quán triệt đến các đơn vị liên quan về vấn đề trên. Tương tự, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các cảng hàng không trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động của đường cất hạ cánh, đường lăn…
Là một trong những sân bay thời gian qua phát hiện máy bay bị cán đinh, rách lốp, đại diện sân bay Nội Bài đã có những chia sẻ thẳng thắn về vật ngoại lai (FOD) với PV VietNamNet.
Vị đại diện này khẳng định, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn bay là mục tiêu sống còn của một cảng hàng không, sân bay. Do đó, việc kiểm soát tốt vật ngoại lai luôn phải được chú trọng.
“Tại sân bay Nội Bài, công tác kiểm soát FOD nói riêng và đảm bảo an toàn hoạt động bay nói chung là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, quy định an toàn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được triển khai đến từng bộ phận, cá nhân người lao động làm việc trên khu bay”, đại diện sân bay Nội Bài thông tin.
Thường xuyên vệ sinh, thu gom vật ngoại lai
Theo đại diện sân bay Nội Bài, việc vệ sinh khu bay, thu gom FOD thường xuyên 24/7 (24h trên một ngày trong suốt 7 ngày trong 1 tuần).
Theo đó, đội môi trường khu bay - Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài hoạt động vệ sinh, thu gom FOD tại tất cả các vị trí sân đỗ tàu bay, đường lăn, đường cất hạ cánh. Đội có 21 nhân viên chia thành 3 ca làm việc xuyên suốt thời gian trong ngày.
Ngoài ra, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài được trang bị 4 xe quét hút FOD, 3 thảm quét và 1 thiết bị bằng nam châm để hút FOD kim loại. Các phương tiện vận hành liên tục, thường xuyên và phủ kín tại các vị trí trong khu bay nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát FOD.
Tại các vị trí cửa ra máy bay khu vực sân đỗ tàu bay và các vị trí dễ nhận biết khác trong khu bay, sân bay Nội Bài bố trí nhiều thùng đựng FOD chuyên biệt để các đơn vị, nhân viên nhanh chóng thu gom và tập trung FOD đúng nơi quy định.
“Đáng lưu ý, trong tất cả các kế hoạch kiểm tra FOD, ngoài hệ thống xe quét hút, thổi FOD thì còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện, trang thiết bị không hút được”, đại diện sân bay Nội Bài cho biết.
Trước đó, theo báo cáo an toàn hàng không, 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 41 sự cố hàng không, trong đó có 1 vụ tai nạn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 9 sự cố).
Tuy nhiên, ngày 24/6 đã xảy ra sự cố không lưu nghiêm trọng về vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại sân bay Nội Bài.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã ghi nhận nhiều vụ lốp máy bay bị vật ngoại lai cắt dẫn đến hỏng lốp, ảnh hưởng hoạt động khai thác. Riêng sân bay Nội Bài phát hiện 3 vụ.
Cụ thể, một chuyến bay từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài đêm 30/6 được thợ kỹ thuật kiểm tra, phát hiện lốp số 2 càng trái bị 1 đinh vít găm vào.
Một chuyến bay khác đêm 29/6 từ Hà Nội đi Melbourne (Úc), khi chuẩn bị cất cánh thì thợ máy kiểm tra, phát hiện lốp số 2 càng trái bị 1 đinh mũ ghim vào.
Vào sáng sớm 29/6, sân bay Nội Bài ghi nhận máy bay từ TP.HCM đi Hà Nội khi hạ cánh đã phát hiện lốp số 1 càng trái có 1 vết rách.
Nhằm nâng cao chỉ số an toàn và tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng, trong công điện ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân, phân loại sự cố theo quy định.
Trên cơ sở kết luận điều tra, Cục đưa ra các khuyến cáo an toàn cho những đơn vị có liên quan, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra các sự cố nêu trên.
N.Huyền