Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit, Scotland muốn tách khỏi Anh
Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit |
Với việc lưỡng viện Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua dự luật Brexit, chính thức mở đường cho chính phủ của Thủ tướng Theresa May thông báo với các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch rời khối này.
Với tỉ lệ phiếu 274/11, Thượng viện Anh đã thông qua dự luật Brexit được Hạ viện Anh thông qua và chuyển trả lại trước đó cùng ngày, phủ quyết việc trao thêm quyền cho Nghị viện liên quan đến vấn đề Brexit cũng như đảm bảo quyền cho công dân EU ở Anh.
Trước đó cùng ngày, với tỉ lệ 335/287, các nghị sĩ Hạ viện Anh đã nhất trí phủ quyết những thay đổi trong dự luật Brexit được Thượng viện đề nghị bổ sung hồi đầu tháng này, sau khi chính phủ London khẳng định cần không bị hạn chế trong thương lượng để có thể có thỏa thuận tốt với EU.
Dự kiến dự luật Brexit có thể được Nữ Hoàng Anh phê chuẩn sớm nhất, giúp Thủ tướng May sẵn sàng khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm với EU, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Sau khi dự luật Rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là dự luật Brexit được Quốc hội Anh chính thức thông qua vào tối muộn 13/3, dự luật này sẽ được Nữ hoàng Anh phê chuẩn vào sáng 14/3 để chính thức trở thành luật.
Theo đó Thủ tướng Anh Theresa May sẽ toàn quyền quyết định ngày, giờ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình đàm phán với EU.
Sau khi quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit, Thủ tướng Theresa May sẽ phải chính thức thông báo với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu ý định của London rời khối này theo kết quả trưng cầu ý dân hồi năm ngoái.
Văn phòng của bà May cho biết Thủ tướng sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon vào tuần cuối cùng của tháng 3, để Anh và EU chính thức bước vào tiến trình đàm phán Brexit, dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm.
Hai điều khoản mà Thượng viện yêu cầu như quyền được phủ quyết của các nghị sĩ quốc hội Anh đối với kết quả đàm phán cuối cùng của Thủ tướng May và EU, quyền của các công dân EU tại Anh sau Brexit đã không được bổ sung vào trong dự luật Brexit sau khi Hạ viện phủ quyết.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/3, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố vùng lãnh thổ này sẽ sớm khởi động tiến trình yêu cầu Chính phủ liên hiệp Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về khả năng rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Trong một tuyên bố, Thủ hiến Sturgeon cho biết trong tuần tới sẽ nỗ lực tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội Scotland trong việc nhất trí với Chính phủ liên hiệp Anh về tiến trình và thủ tục cho phép Scotland tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập. Bà bày tỏ mong muốn cuộc trưng cầu ý dân lần 2 này sẽ được tổ chức vào giữa mùa Thu năm 2018 và mùa Xuân năm 2019 trước khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo quan điểm của bà, điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải đảm bảo trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Vương quốc Anh.