Quốc gia châu Á từ chối chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine
Hàn Quốc từ chối cung cấp vũ khí phòng không cho Kiev, trong khi Nga bổ nhiệm chỉ huy mới trên chiến trường Ukraine.
Hàn Quốc đã từ chối lời đề nghị chuyển vũ khí phòng không tới Ukraine, do Seoul có “nguyên tắc” không cung cấp vũ khí sát thương tới vùng chiến sự. Đây là thông tin được một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ hôm 11/4.
Theo vị quan chức Hàn Quốc giấu tên, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook hôm 8/4, phía Kiev đã đề nghị Seoul cung cấp vũ khí phòng không.
Tên lửa đất đối không vác vai Shingung của Hàn Quốc mà quốc tế gọi là Chiron. (Ảnh: Bloomberg) |
“Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã đề nghị được hỗ trợ các loại vũ khí phòng không, nhưng Bộ trưởng Shu đã lịch sự nhắc lại lập trường của chính phủ Hàn Quốc chỉ giới hạn trong các thiết bị phi sát thương”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời quan chức Hàn Quốc.
Tờ Chonsun cũng dẫn lời một quan chức khác trong Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Bộ trưởng Ukraine Reznikov muốn Hàn Quốc cung cấp các tên lửa đất đối không vác vai Shingung mà quốc tế gọi là Chiron.
Các tên lửa Shingung đã chứng minh được hiệu quả hoạt động cao trong việc tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng và máy bay cánh cố định.
Trên thực tế, Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Ukraine số thiết bị quân sự phi sát thương trị giá khoảng 1 tỉ won (813.100 USD) gồm áo chống đạn, chăn màn và thiết bị y tế.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có kế hoạch phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 11/4, và khả năng sẽ lặp lại yêu cầu cung cấp thêm vũ khí và thiết bị.
Hồi tháng Ba, Tổng thống Zelensky từng có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản và kêu gọi Tokyo cấm vận thương mại đối với Nga. Hiện tại, Nhật Bản cho áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Nga, nhưng Tokyo không có kế hoạch chuyển các loại vũ khí cho Ukraine. Bởi chính quyền Tokyo đang tập trung phát triển năng lực phòng vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào đất nước.
Còn vào ngày 7/4, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong đã nói trước các nước thành viên NATO ở Brussels rằng Seoul hiện có kế hoạch cung cấp cho Ukraine thêm gói cứu trợ nhân đạo trị giá 30 triệu USD.
Cũng trong ngày 7/4, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley tuyên bố Ukraine đã nhận được khoảng 25.000 hệ thống vũ khí phòng không từ Mỹ và các nước đồng minh, nhằm giúp Kiev ngăn chặn Nga chiếm ưu thế trên không và mở rộng tấn công trên mặt đất.
Ngoài ra, theo Tướng Milley, Mỹ cùng các nước đồng minh đã cung cấp cho Ukraine 60.000 hệ thống chống tăng.
Trước đó, vào ngày 6/4, Tổng thống Zelensky đã một lần nữa trực tiếp hối thúc các nghị sĩ Mỹ và Nhà Trắng nhanh chóng cho chuyển giao vũ khí có khả năng bảo vệ quốc gia này khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích của Nga.
Nga bổ nhiệm chỉ huy quân sự ở Ukraine
AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên hôm 10/4 cho hay, Nga đã bổ nhiệm một tướng chỉ huy quân sự mới để điều phối chiến dịch tấn công của quân đội Nga ở Ukraine.
Cụ thể, Nga đã bổ nhiệm Tướng Alexander Dvornikov (60 tuổi) làm chỉ huy lực lượng quân sự Nga ở Ukraine. Ông Dvornikov là một trong những tướng chỉ huy quân sự dày dặn kinh nghiệm nhất của Nga với khoảng thời gian chỉ huy các chiến dịch quân sự ở nhiều nơi như Syria. Cho tới nay, Nga vẫn chưa có một tổng chỉ huy trên chiến trường Ukraine.
Tướng Alexander Dvornikov (bên phải) được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: Sputnik) |
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, “Dù có bổ nhiệm vị tướng nào thì cũng không thể xóa đi thực tế Nga đang phải đối mặt với sự thất bại chiến lược ở Ukraine”.
Thậm chí, ông Sullivan cáo buộc Tướng Dvornikov đã phạm phải tội ác chống lại dân thường ở Syria và “chúng tôi nghĩ chuyện tương tự sẽ lại xảy ra ở Ukraine”. Song ông này khẳng định chiến lược của Mỹ vẫn được duy trì và tiếp tục ủng hộ người dân Ukraine, cũng như Tổng thống Zelensky.
“Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giúp Ukraine giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa chúng tôi vẫn tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine để họ có thể giành ưu thế trên chiến trường. Và chúng tôi cần duy trì hoạt động hỗ trợ quân sự, đồng hành với các lệnh trừng phạt kinh tế để giúp Ukraine chiếm ưu thế trên bàn đàm phán”, ông Sullivan nói thêm.
Quyết định bổ nhiệm vị tướng lãnh đạo trên chiến trường Ukraine được công bố giữa lúc Nga được cho đang tập trung vào một mục tiêu lớn hơn là mở rộng sự kiểm soát của Moscow ở phía đông và nam Ukraine bao gồm vùng Donbass, sau thất bại chiếm thủ đô Kiev.
Danh tiếng của Tướng Dvornikov được biết tới khi ông dẫn dắt quân đội Nga tham chiến ở Syria để tiêu diệt các lực lượng nổi dậy và quân khủng bố theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad.
Binh nghiệp của ông Dvornikov xuất phát từ vị trí ban đầu là sĩ quan chỉ huy trung đội vào năm 1982. Từ đó, ông liên tục được thăng chức. Tướng Dvornikov từng tham gia chiến tranh Chechnya lần hai và nắm giữ một số chức vụ cấp cao trước khi được bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội Nga tại Syria vào năm 2015.
Vào năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thưởng huân chương và tặng danh hiệu "Anh hùng Liên bang Nga" cho Tướng Dvornikov. Ông Dvornikov đồng thời giữ chức chỉ huy Quân khu phía Nam của Nga kể từ năm 2016.
Kể từ khi Nga tham chiến ở Syria vào tháng 9/2015, các lực lượng quân sự ủng hộ Tổng thống Assad đã nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ quốc gia, sau thời gian tưởng chừng bị sụp đổ trước đòn tấn công của quân nổi dậy và khủng bố.
Lực lượng không quân Nga đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích và hỗ trợ binh sĩ Syria hoạt động dưới mặt đất tấn công giành quyền kiểm soát.
Đợt tấn công quy mô lớn cuối cùng được Nga thực hiện ở Syria kéo dài tới vài tháng cho tới tháng 3/2020, thời điểm một thỏa thuận ngừng bắn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết.
Trung Quốc 'đứng ngồi không yên' về loại vũ khí Mỹ đang chuyển cho Ukraine
Loại UAV đang được Mỹ chuyển cho Ukraine để chống lại quân đội Nga hiện nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)