Quảng Ninh lắp đặt 3.233 đầu thu DVB-T2 cho hộ nghèo lân cận vùng tắt sóng
Trong Báo cáo kết quả hoạt động thông tin và truyền thông năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết cho đến thời điểm này của năm 2016 đã kiểm tra, giám sát lặp đặt xong 3.233 bộ đầu thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 cho các đối tượng hộ nghèo thuộc vùng bị ảnh hưởng, vùng lõm sóng sau khi thành phố Hải Phòng tắt sóng truyền hình tương tự analog.
Trước đó Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đo kiểm tại 3 địa phương bị ảnh hưởng là thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên và thị xã Đông Triều, sau đó gửi đến Tổng Công ty VTC danh sách các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn.
Quảng Ninh được xếp vào nhóm II trong đề án số hóa truyền hình cùng với Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An, vì thế sẽ ngừng phát sóng analog ngày 1/7/2017 theo kế hoạch hiện nay. Mặc dù vậy khi các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM và Cần Thơ tắt sóng analog ngày 15/8 vừa qua thì cũng có một số vùng lân cận bị ảnh hưởng trong đó có các địa phương ở Quảng Ninh.
3.233 hộ nghèo tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng lân cận tắt sóng analog ở thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên và thị xã Đông Triều đã được hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số trong năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: cuctanso.vn. |
Trên cả nước trong giai đoạn I, Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất cho 327.324 hộ nghèo, cận nghèo thuộc một phần của 19 tỉnh, thành lân cận với các thành phố đi đầu. Và hiện tại Bộ TT&TT cũng đang triển khai dự án hỗ trợ cho số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới phát sinh tại 19 tỉnh lân cận, số lượng khoảng 136.357 hộ trong thời gian tới.
Với những địa phương bị ảnh hưởng lân cận như ở Quảng Ninh, việc triển khai số hóa truyền hình trong giai đoạn II đã được triển khai một phần công việc ngay trong giai đoạn I, do đó việc triển khai giai đoạn II của đề án số hóa truyền hình sẽ giảm nhẹ khối lượng công việc đi đáng kể.
Trước đó cũng trong quá trình thực hiện số hóa truyền hình, trong phiên họp lần 10 của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình ngày 1/4/2016, Bộ TT&TT đã nhất trí với các đề xuất kết hợp số hóa bằng truyền hình qua vệ tinh đối với địa bàn miền núi một số tỉnh thuộc nhóm II trong đó có Quảng Ninh.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Phó trưởng Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo từng chỉ ra rằng với những tỉnh có địa bàn đồi núi gồm Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuân, Bình Thuận, việc phủ sóng số mặt đất cho các địa bàn này sẽ rất khó khăn và hiệu quả thấp.
Quảng Ninh là tỉnh có địa hình phức tạp, có nhiều khu vực miền núi nên có nhiều vùng lõm sóng tự nhiên. Để phát sóng truyền hình analog, riêng máy phát sóng ở thủ phủ tỉnh Quảng Ninh của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ phủ sóng được 50% địa bàn, do đó Quảng Ninh đã phải đầu tư 28 máy phát sóng đặt ở các khu vực khác do đặc điểm địa hình phức tạp.
Vì thế khi số hóa truyền hình nếu doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng đặt 1 máy phát sóng số ở trung tâm tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ phủ sóng 50% địa bàn và còn rất nhiều khu vực khác sẽ bị lõm sóng, vì thế người dân sẽ phải thu truyền hình từ vệ tinh.