Quảng Nam đặt lò đốt rác thải đầu nguồn sông Yên cấp nước cho dân Đà Nẵng
Ông Hồ Hương cho hay, ngày 25/01/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định 383/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngày 15/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có Quyết định 3460/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa.
Bãi rác Đại Nghĩa thay thế cho bãi rác Đại Hiệp đóng cửa vào cuối năm 2018. Ảnh: TRIÊU NHAN (Báo Quảng Nam) |
UBND tỉnh Quảng Nam xác định lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa là một trong 3 khu xử lý rác thải tập trung trọng tâm của tỉnh, có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề rác thải đô thị, vệ sinh môi trường cho các huyện cánh Bắc của tỉnh sau khi khu xử lý rác thải chôn lấp tại xã Đại Hiệp đóng cửa. Tuy nhiên hiện dự án này chưa chính thức triển khai xây dựng.
Theo tìm hiểu của Infonet, công nghệ mà lò đốt rác thải Đại Nghĩa sẽ sử dụng do Công ty CP Máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn (Bắc Ninh) kết hợp với PGS.TS Phạm Văn Trí (Bộ môn Kỹ thuật nhiệt – Viện KHCN Nhiệt – lạnh trường Đại học Bách khoa Hà Nội) tư vấn và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Công suất của lò đốt khoảng 240 tấn/ngày đêm, gồm 2 modul, mỗi modul có công suất từ khoảng 4 - 5 tấn/giờ. Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha là đường giao thông vào khu xử lý, 3ha là khu nhà máy xử lý rác thải, có tổng đầu tư 98 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp triển khai giai đoạn 2018 - 2019, thời gian thực hiện 50 năm.
Trong bài “Dự án lò đốt rác thải Đại Nghĩa (Đại Lộc): Cẩn trọng khi chọn công nghệ” đăng ngày 07/11/2018, báo Quảng Nam Online (Cơ quan của Đảng bộ Quảng Nam) dẫn lời PGS.TS Phạm Văn Trí còn cho biết, về nguyên lý vận hành, lò sử dụng công nghệ tự cháy hạn chế khí thải thoát ra ngoài môi trường qua cửa nạp rác thải. Lò có thể đốt trực tiếp rác tươi nếu có trộn rác công nghiệp, hoặc rác tươi sau khi ủ 7 - 10 ngày mà không phải phơi bên ngoài...
Tuy nhiên cả PGS.TS Phạm Văn Trí, Công ty CP Máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn (đơn vị tư vấn) lẫn chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đều bỏ qua một vấn đề cực kỳ quan trọng mà Dawaco vừa chỉ ra trong Công văn 473/CTCN-KHĐT (ngày 23/5). Đó là lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa với quy mô lớn lại nằm ngay trên lưu vực sông Yên và đây là nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng!
Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương nhấn mạnh, dự án này trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề như vận chuyển rác, khí thải, mùi hôi, nước thải xử lý rác cũng như nước rỉ rác thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên.
Đặc biệt, vị trí xây dựng lò đốt rác thải Đại Nghĩa (240 tấn/ngày) nằm cách xã Hòa Khương và đập dâng An Trạch (là nơi lấy nước đưa về Nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý, cấp nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Nẵng) chỉ khoảng 4km. Vì vậy mức độ ô nhiễm từ lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng.
“Dawaco kính đề nghị HĐND TP và UBND TP quan tâm đến dự án lò đốt rác thải sinh hoạt nêu trên và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý điều chỉnh vị trí dự án cũng như có các chỉ đạo đến các cơ quan quản lý chuyên ngành tham mưu, giải quyết để không gây các ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên cấp nước cho TP Đà Nẵng” - Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương nêu trong Công văn 473/CTCN-KHĐT (ngày 23/5).
Trước đây, ngày 7/11/2018, báo Quảng Nam online đăng bài: "Dự án lò đốt rác thải Đại Nghĩa (Đại Lộc): Cẩn trọng khi chọn công nghệ”, trong đó có ý kiến của bà Nguyễn Thị Ánh Thi - chuyên viên Phòng TN-MT huyện Đại Lộc: "Phía công ty và đơn vị tư vấn cần tổ chức họp dân, nói rõ những phát sinh, công khai hướng giải quyết khi xảy ra sự cố để người dân có sự đồng thuận cao, tránh trở ngại. Cũng theo bà Thi, ngoài khí thải, mùi hôi, vấn đề nước thải khi xử lý rác luôn là điều người dân quan tâm. Từ bãi rác Đại Hiệp của Đại Lộc, rồi tới bãi rác Khánh Sơn của Đà Nẵng, người dân từng khiếu nại nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cần nghiên cứu kỹ những ưu điểm và nhược điểm, hướng khắc phục và xử lý sự cố từ công nghệ mà đơn vị tư vấn đã triển khai tại nhiều nơi, qua đó làm cơ sở lựa chọn công nghệ phù hợp...”. |