Quảng cáo trên báo chí về y tế: Thực trạng và giải pháp

Việc truyền thông, tuyên truyền, quảng cáo giới thiệu định hướng, lĩnh vực, sản phẩm của ngành y tế tới mọi người dân là hết sức cần thiết nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh, sức khỏe cho toàn cộng đồng.

Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế là một trong những chiến lược hợp tác quan trọng giữa Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Y tế. Báo Infonet xin trích đăng những bài phát biểu có ý nghĩa trong việc tăng cường hiệu quả tuyên truyền trong lĩnh vực y tế. 

Đây là những bài phát biểu nằm trong hội thảo Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế.

Dưới đây là bài phát biểu của ông Võ Quốc Trường, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Y tế là một ngành đặc thù, có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của bất cứ quốc gia nào vì nó liên quan trực tiếp tới chăm sóc sức khỏe của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng. 

Quảng cáo trên báo chí về y tế: Thực trạng và giải pháp - ảnh 1

Việc truyền thông, tuyên truyền, quảng cáo giới thiệu định hướng, lĩnh vực, sản phẩm của ngành y tế tới mọi người dân là hết sức cần thiết nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh, sức khỏe cho toàn cộng đồng. 

Tuy nhiên, quảng cáo trong lĩnh vực y tế lại là loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, cần phải được quản lý chặt chẽ theo Luật định và những quy định hết sức chi tiết. 

Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng quảng cáo trong khám chữa bệnh, mỹ phẩm, thuốc và đặc biệt là thực phẩm chức năng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại đến tiền bạc, sức khỏe và thậm chí tính mạng người dân.

Thực trạng tình hình quảng cáo trên báo chí về Y tế trong tham luận này được tổng hợp trên các bài báo được đăng tải trong thời gian vừa qua.

Theo quy định hiện hành, các hành vi quảng cáo trong lĩnh vực y tế bị cấm bao gồm:

a) Quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá khả năng trình độ chuyên môn và phạm vi được hành nghề; 

b) Quảng cáo các phương pháp chữa bệnh chưa được Bộ Y tế cho phép;

c) Quảng cáo thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo các loại thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc phải kê đơn, thuốc đã được cơ quan quản lý nhà nước về y tế khuyến cáo không được phép sử dụng hoặc được sử dụng nhưng phải có sự giám sát của thầy thuốc;

d) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm chưa công bố hoặc chưa đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn; thực phẩm, phụ gia thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn; quảng cáo sai với nội dung đã công bố hoặc đã đăng ký; quảng cáo thực phẩm có tác dụng như một loại thuốc;

đ) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

e) Quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức theo quy định tại Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000 - 2010.

Và theo Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 do Bộ Y tế ban hành quy định về việc xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2015, bao gồm:
1. Thuốc không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Luật quảng cáo.

2. Mỹ phẩm.

3. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Y tế, bao gồm:

a) Thực phẩm chức năng;

b) Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;

c) Nước khoáng thiên nhiên;

d) Nước uống đóng chai;

đ) Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

4. Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

5. Trang thiết bị y tế.

6. Sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo.

7. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Một thực trạng có thể thấy rất rõ hiện nay là tình trạng không tuân thủ những quy định của Luật pháp, những Bộ ngành phụ trách lĩnh vực này của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, cung cấp những sản phẩm, thiết bị y tế. Và không thể không nói tới trách nhiệm của các cơ quan báo chí khi cho đăng phát những quảng cáo này. 

Các trường hợp vi phạm chủ yếu trên phương tiện thông tin đại chúng thể hiện bằng việc đăng nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc đăng quảng cáo chưa được thẩm định nội dung.

Điển hình trong quảng cáo sai sự thật về thiết bị Y tế đó là chiến dịch quảng cáo máy lọc nước của Kangaroo. 

Tin vào quảng cáo, nhiều người dân nhất là phụ nữ nội trợ và người già sẵn sàng tìm mua, chi trả hàng triệu đồng để lắp đặt loại máy lọc nước của Kangaroo được quảng cáo là có khả năng ngăn ngừa mỡ máu. Thậm chí Kangaroo còn đưa ra bản ‘Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo” do Giám đốc bệnh viện Tim xác nhận. 

Tập đoàn Kangaroo đã rầm rộ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng như một số tuyến phố hay trên những tòa nhà cao tầng trong thành phố. Sau khi các chuyên gia Y tế hàng đầu và các cơ quan chức năng vào cuộc, sự việc đã được làm rõ : Hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào trong quảng cáo của Kangaroo!

‘Đã có rất nhiều khách hàng tìm đến Kangaroo như một sự “cứu cánh” mong đánh lùi bệnh tật, tuy nhiên cũng không ít thông tin chỉ trích về sự thiếu trung thực trong việc quảng cáo chất lượng thực của máy lọc nước của tập đoàn này. 

Ngay khi thông tin Kangaroo quảng cáo sai sự thật bắt đầu khiến người dân nghi ngại, thì đồng thời tất cả thông tin, bài viết về máy lọc nước KG110 trên các website đều “biến mất”.

Hành vi quảng cáo sai sự thật không chỉ là cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Việc xử phạt hay có chế tài cụ thể đối với Kangaroo giờ đây không còn là chuyện quan trọng nữa bởi đánh mất niềm tin với khách hàng mới là điều đáng sợ nhất mà Kangaroo cần chú trọng”. 

Nhưng sai phạm chủ yếu nhất trong quảng cáo trên báo chí về Y tế liên quan đến sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng. Tình trạng này đã và đang diễn ra phổ biến, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Kết quả kiểm tra cho thấy có 5 hình thức vi phạm phổ biến như sau: 

1- Thực hiện quảng cáo khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc không kiểm tra kỹ tính pháp lý của hồ sơ quảng cáo nên sử dụng maket do người quảng cáo, người làm dịch vụ quảng cáo chuyển đến, maket này không được cơ quan y tế xác nhận. 

2- Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 

3- Quảng cáo thực phẩm chức năng sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo. 

4- Quảng cáo thực phẩm chức năng dễ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. 

5- Quảng cáo không ghi nội dung khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" hoặc nội dung khuyến cáo không rõ ràng, cỡ chữ nhỏ hơn quy định.

Quảng cáo thực phẩm chức năng An cung ngưu hoàng  hoàn là một ví dụ nổi bật về sự “nhập nhèm” giữa TPCN với thuốc chữa bệnh.

An Cung ngưu Hoàng Hoàn là một bài thuốc quý trong Đông y, đã có từ rất lâu, nếu quy trình sản xuất chuẩn, chỉ định đúng, sử dụng đúng thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. 

Tuy nhiên, hiện nay, do nguồn sản xuất và cung ứng không chuẩn nên có sản phẩm tuy mang tên An Cung ngưu Hoàng Hoàn nhưng thành phần và công thức không bảo đảm, ngay cả thầy thuốc cũng không thể phân biệt thật - giả. 

Thậm chí, các sản phẩm này có thể mang danh nhà sản xuất nước ngoài nhưng vẫn có hàng nhái, liều lượng, thành phần thuốc không bảo đảm. "An Cung ngưu Hoàng Hoàn (ACNHH) là thuốc, định danh TPCN là điều nguy hiểm bởi trong thành phần của nó có chứa kim loại nặng như thủy ngân, asen, không được phép dùng tùy tiện". 

Vấn đề là tại sao với một sản phẩm thuốc mà cơ quan quản lý lại cho nhập khẩu và đăng ký dưới dạng TPCN? Theo Cục An toàn thực phẩm, chúng ta dựa vào thông tin từ quốc gia sản xuất, xem họ coi đó là thuốc hay TPCN. 

An Cung ngưu Hoàng Hoàn được bán ở Hàn Quốc, Triều Tiên dưới tên gọi TPCN thì khi sản phẩm vào nước ta, nó được định danh TPCN. Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho rằng việc sử dụng sản phẩm này dưới dạng TPCN là nguy hiểm. Bởi lẽ, không chỉ hàm lượng kim loại độc quá cao, sản phẩm này còn chứa những dược liệu có độc tính được sử dụng làm thuốc như hùng hoàng, thần sa, chu sa và dạ hương…

Ngoài ACNHH vừa bị tiêu hủy, hiện còn 3 sản phẩm TPCN cùng tên đã được công bố chất lượng tại Cục ATTP. Trong khi đó, tại Cục Quản lý dược cũng có đến 4 sản phẩm ACNHH đã được cấp số đăng kư lưu hành là thuốc. Theo quy định, nếu là thuốc thì phải chịu sự quản lý về chất lượng, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; còn với TPCN, người tiêu dùng có thể sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vì vậy, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn trong nhóm sản phẩm cùng tên này.

Không chỉ sản phẩm ACNHH bị “tố” vì sự nhập nhèm giữa thuốc và TPCN, thời gian qua, hàng chục loại TPCN đã bị cơ quan quản lý “sờ gáy”, thậm chí đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy vì quảng cáo thổi phồng công dụng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Hầu hết những TPCN này đều được “đẩy” thành “thần dược” như nhanh chóng lấy lại vóc dáng, nhan sắc, chống ung thư, chữa bệnh “khó nói”, thậm chí chữa bách bệnh. Thế nhưng, theo kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN được công bố mới đây, có đến gần 2.000/4.500 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP.

Trong 97 sản phẩm TPCN được kiểm nghiệm chất lượng, có 17 mẫu không đạt. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là hàm lượng một số vitamin, khoáng chất hoặc axít amin… trái ngược với quảng cáo.

Đông trùng hạ thảo là một loại thực phẩm chức năng đang được khá nhiều doanh nghiệp (DN) bán qua kênh truyền hình. Giá bán mặt hàng này phổ biến ở mức 1,3 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm được giới thiệu không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe.

Đông trùng hạ thảo được quảng cáo có tác dụng tích cực với rối loạn tình dục, thận hư, đau lưng, hạ huyết áp... Sản phẩm này được quảng cáo là chữa các bệnh đau lưng, mỏi gối, yếu sinh lý, ho hen... Tuy nhiên, một bác sĩ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khẳng định Đông trùng hạ thảo không có tác dụng chữa các bệnh nói trên mà chỉ có chức năng hỗ trợ.

Theo quy định của Bộ Y tế, DN không được quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã bị dư luận lên tiếng việc quảng cáo gây ngộ nhận về tác dụng của thực phẩm chức năng, sản phẩm này vẫn được mô tả như... thần dược. 

Ví dụ, sản phẩm cao bán trên truyền hình có thành phần 15% tinh chất hồng sâm và 1% tinh chất nhung hươu. Dù khẳng định không phải thuốc chữa bệnh nhưng công dụng của 1% tinh chất nhung hươu được nhấn mạnh là có tác dụng bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng nguyên dương, cường gân cốt, trị các chứng tai ù, mờ mắt, đau lưng, liệt dương... 

Các Doanh nghiệp thường lợi dụng một số thành phần trong sản phẩm để quảng cáo nhập nhèm với công dụng của sản phẩm.

Tương tự, nhiều mặt hàng hỗ trợ làm đẹp cũng đang được quảng cáo tràn lan với tác dụng làm đẹp siêu tốc, ngoài sức tưởng tượng. Một trong những trường hợp đó là sản phẩm áo ngực Wonderful của Công ty cổ phần mua sắm Hạnh Phúc. 

Theo giới thiệu của công ty này, không những có tác dụng làm vòng 1 của chị em phụ nữ nảy nở sau 15 giây mà mặc áo ngực Wonderful một thời gian, dù cởi ra ngực vẫn được săn chắc và to, không biến dạng!? Giá bán sản phẩm này lên tới 920.000 đồng/chiếc. Theo một cán bộ quản lý Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, quảng cáo như trên là quá sự thật.

Siết chặt quản lý và xử lý nghiêm quảng cáo không đúng quy định – Giải pháp cần đồng bộ

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8742 gửi các Bộ Y tế, Tài chính, Công thương, Công an và TT&TT yêu cầu liên Bộ tăng cường quản lý thực phẩm chức năng trên thị trường.  

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Y tế tại công văn số 815 (ngày 3/9), công văn số 3078 của Bộ TT&TT (ngày 24/9) và công văn số 9931 của Bộ Công thương (ngày 25/9) về việc quản lý hoạt động, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì làm việc với các Bộ Công thương, Khoa học & Công nghệ, Tài chính cùng các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định. 

Mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ TT&TT tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân hiểu đúng, sử dụng đúng về TPCN.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công thương, Công an, Tài chính, Y tế và TT&TT chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật. Các quyết định xử phạt này sẽ được công khai trên những phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm bắt được thông tin.

Thời gian qua, vấn đề vi phạm trong quảng cáo TPCN trên báo, đài, nhất là các trang mạng đã gây bức xúc trong dư luận do nội dung quảng cáo sai sự thật, phóng đại, đánh lừa người dùng, hoặc chưa qua thẩm định của cơ quan y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Cuối tháng 9 vừa qua, phía Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị liên quan, mở những đợt cao điểm về xử lý vi phạm trong quảng cáo TPCN.

Trước đó, một số báo đã bị Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt do hành vi này. Chẳng hạn như tháng 4/2015, Bộ đã xử phạt báo Sức khỏe Cộng đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Yuca TD không phù hợp với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. 

Báo Đời sống và Pháp luật cũng quảng cáo thực phẩm chức năng An Thụy Khang không đúng nội dung đã được phê duyệt. Bên cạnh việc phải nộp phạt 25 triệu đồng, cả hai báo này còn phải thực hiện cải chính thông tin quảng cáo sản phẩm để khắc phục hậu quả. 

Tương tự, báo Người tiêu dùng đã bị xử phạt 25 triệu đồng cho hành vi đăng tải quảng cáo các thực phẩm chức năng Ích Giáp Vương, Kim Thần Khang, Hoàng Thấp Linh, Hoàng Thống Phong, nước giải rượu Condition, Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh không đúng quy định. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện báo đã quảng cáo thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy Bông sen khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Vì hành vi này, Người tiêu dùng phải chịu mức phạt tiền là 15 triệu đồng.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã không ngừng, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng tại các cơ quan báo chí, và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đồng thời chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo chí. 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Thanh tra Bộ TT&TT nhận thấy tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo vẫn xảy ra tại một số cơ quan báo chí. Trong đó, vi phạm về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế đặc biệt là thực phẩm chức năng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người là phổ biến nhất. 

Thanh tra Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình, tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo.

Quảng cáo trên báo chí có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, do phần lớn người dân tin tưởng vào nội dung báo chí vì đã được nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ. Do đó, quảng cáo trên báo chí đòi hỏi phải có tính trung thực cao, hoạt động quảng cáo phải có tác dụng gắn kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. 

Thực trạng quảng cáo trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là thực phẩm chức năng đang lộn xộn. Cá biệt có một số trường hợp quảng cáo không có giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý nhà nước về y tế, quảng cáo sản phẩm cấm quảng cáo. 

Hoặc là quảng cáo trên truyền hình vượt quá thời lượng và số lần cho phép gây ức chế cho người xem, quảng cáo xen lẫn nội dung tin, bài khiến người xem không phân biệt được đây là nội dung quảng cáo.

Bộ Y tế cũng đã và đang thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo trong lĩnh vực này. Mỗi năm, Cục ATTP tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng tới 90% hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung cho đúng với tác dụng của sản phẩm.

Quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh là không chính xác vì TPCN không phải thuốc. Theo quy định của Bộ Y tế, trong bao bì TPCN phải ghi “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo khẳng định không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc và "Không được quảng cáo mỹ phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. 

Khi quảng cáo mỹ phẩm được phát trên phương tiện truyền thanh, truyền hình, các nội dung chính của mỹ phẩm "phải được đọc to, rõ ràng. Trường hợp hiển thị bằng chữ trên màn hình các nội dung trên thì tốc độ hiển thị phài phù hợp cỡ chữ quảng cáo đủ lớn để đảm bảo rõ ràng, dễ đọc".

Không phải thuốc nào cũng được phép quảng cáo. Nếu được phép quảng cáo thì phải tuân thủ những quy định điều kiện cụ thể các loại thuốc được quảng cáo. Đó là "thuốc có số đăng ký tại Việt Nam còn hiệu lực, có hoạt chất thuộc danh mục hoạt chất được phép quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành".

Bộ Y tế cũng đề nghị quy định một số hình ảnh cụ thể cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc như "hình ảnh bệnh nhân, sơ đồ tác đụng của thuốc chưa được nghiên cứu, dánh giá", nhất là, phải ghi rõ cấm dùng "hình ảnh hoặc tên thầy thuốc để giới thiệu thuốc".

Theo Bộ Y tế, những hàng hóa như thuốc chữa bệnh, vắc-xin - sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học đặc biệt… và dịch vụ khám chữa bệnh, hành nghề y dược học cổ truyền, phẫu thuật thẩm mỹ… thuộc quản lý của Bộ Y tế là những loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. 

Chính vì vậy, việc quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo của những loại hàng hóa, dịch vụ này hết sức cần thiết và quan trọng. Tại các văn bản luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đang còn hiệu lực đều có hẳn một chương riêng quy định về thông tin, quảng cáo, trong đó quy định các nội dung quảng cáo đều phải được thẩm định của cơ quan chuyên môn và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định. 

10 tháng năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 216 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi” khi thị trường có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng các loại vẫn đang tìm mọi kẽ hở để hoành hành.

Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 40 công ty vi phạm về ATTP, với tổng số tiền phạt trên 751 triệu đồng; thu hồi 19 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Hầu hết các công ty vi phạm đều liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) với các hành vi như: Quảng cáo sai phép, thổi phồng công dụng, ghi sai nhãn hàng hóa…

Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm TPCN, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8742 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định với mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh TPCN bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật. Các quyết định xử phạt này sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân và xã hội biết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, việc siết chặt quảng cáo TPCN đã triển khai từ các năm qua, nhưng hiện nay đang siết chặt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 7/2015 quy định các loại thực phẩm (trong đó có TPCN) phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…

Bên cạnh công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Cục ATTP sẽ tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định”.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT thì Bộ TT&TT “thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin”.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý chung về nội dung quảng cáo và việc xét duyệt đối với từng nội dung quảng cáo cụ thể về một số sản phẩm hàng hoá thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Ví dụ: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm do Bộ Y tế quản lý; chất lượng sản phẩm hàng hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về vấn đề hàng giả, hàng nhái.

Theo quy định của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo thì người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng, diện tích quảng cáo trên phương tiện của mình; sản phẩm trước khi quảng cáo trên báo chí phải có đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của mình; cơ quan báo chí trước khi cho đăng, phát sản phẩm quảng cáo phải kiểm tra, xác minh các giấy chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm quảng cáo, bảo đảm sản phẩm quảng cáo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Như vậy, Bộ TT&TT không chịu trách nhiệm xét duyệt, cho phép đối với từng sản phẩm và nội dung quảng cáo cụ thể trên hệ thống các đài phát thanh và truyền hình. Hoạt động quảng cáo trên phát thanh, truyền hình do các đài tự chịu trách nhiệm, và việc quảng cáo đối với từng sản phẩm (mặt hàng) cụ thể sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét, phê duyệt.

Để giải quyết một cách căn bản các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh bức xúc trong dư luận xã hội, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ TT&TT đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Yêu cầu các đài truyền hình chủ động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo trên truyền hình theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm cho người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí.

Giải pháp tăng cường định hướng, chỉ đạo thông tin: Bộ sẽ tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các đài phát thanh, truyền hình trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo, việc phát sóng các chương trình quảng cáo.

Giải pháp về thanh, kiểm tra: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp, tham gia của các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Sẽ xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình.

Nếu phát hiện có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ TT&TT sẽ xử lý trong thẩm quyền của mình theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. 

Chung kết cuộc thi: 'Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh'

Ngày 9/8, tại Hà Nội diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” giữa các cán bộ tại các trạm y tế của các xã, phường, thị trấn.

Vinamilk bắt tay các đối tác y tế lớn đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng Hệ thống trung tâm tiêm chủng vắc xin Việt Nam (VNVC) và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa ký hợp tác chiến lược, hướng đến nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc kết hợp giữa chăm sóc y tế và dinh dưỡng.

Nâng mũi giống 'thần tiên tỷ tỷ', cô gái khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'

Có khuôn mặt ưa nhìn gần như không điểm 'chết' nhưng cô gái Hà Thành vẫn quyết tâm đi nâng mũi giống thần tiên tỷ tỷ ở Trung Quốc - trào lưu đang rầm rộ trên mạng. 6 tháng sau, cô gái tìm gặp TS. Tống Hải khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'.

Nửa thế giới ăn cơm đều đặn có tốt cho sức khỏe?

Là lương thực chính của hơn 3,5 tỷ người trên thế giới, hiếm có loại thực phẩm nào được ưa chuộng rộng rãi như gạo. Người dân nhiều nước như Việt Nam còn ăn cơm hằng ngày.

Nguy kịch sau khi uống chai nước do người thân đưa

Một bé trai ở Kiên Giang bị ngộ độc cấp, suy gan thận sau khi uống một chai nước. Người thân không biết bên trong chai là keo dán thuyền và dung môi hữu cơ.

Nước dừa ngon ngọt, nhiều chất bổ nhưng tối kỵ với một số người

Bù nước hiệu quả, ổn định đường huyết nhưng nước dừa lại là thức uống không phù hợp với người có bệnh thận, hội chứng ruột kích thích.

Hơn 2000 người cao tuổi Hà Nội đồng diễn thể dục dưỡng sinh trên phố đi bộ

Không chỉ thể hiện các bài đồng diễn thể dục, múa dưỡng sinh nhẹ nhàng, các “vũ công” U60 - 80 gây ấn tượng với người xem bởi các động tác võ thuật khỏe khoắn, bài thái cực quyền điêu luyện hay những điệu khiêu vũ tập thể sôi động.

FWD triển khai chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người Việt

Từ ngày 22/9, người dân Việt Nam đã có thể nhận được sự hỗ trợ miễn phí trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần từ chương trình “FWD Vững tinh thần” của FWD Việt Nam.

Long An: Ứng dụng phần mềm sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em từ Ajinomoto

Ajinomoto Việt Nam vừa phối hợp Vụ Sức Khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế), Sở Y tế tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi”.

Bộ Y tế đề xuất hộ sinh cũng được xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân

Trong dự thảo Nghị định mới về xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất bổ sung hộ sinh vào đối tượng xét tặng.

Đang cập nhật dữ liệu !