Quảng cáo thực phẩm chức năng: Vẫn tiếp diễn vi phạm
![]() |
Các sản phẩm này chủ yếu do 7 doanh nghiệp cung cấp với khoảng 25 nhãn hàng khác nhau. Rất nhiều tổ chức, cá nhân phân phối sản phẩm bằng cách lập trang web đưa thông tin về sản phẩm, trong đó có các cá nhân sử dụng tên miền quốc tế vào mục đích bán hàng.
Muôn vẻ vi phạm
Hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra rầm rộ dưới mọi hình thức. Trên báo in, các mẫu quảng cáo dưới hình thức hỏi đáp về bệnh, tư vấn sức khỏe, thông tin sản phẩm mới, phổ biến kinh nghiệm điều trị bệnh… khá phổ biến.
Thậm chí có sản phẩm được quảng cáo dưới dạng bài viết công bố kết quả nghiên cứu khoa học tại một bệnh viện có uy tín ở Việt Nam. Hỏi ra mới biết, chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đầu tư kinh phí để các bác sỹ tiến hành nghiên cứu, theo đó, kết quả nghiên cứu dường như quay lại phục vụ tốt hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.
Còn trên đài truyền hình, độc giả hay thấy trong một số chương trình tư vấn sức khỏe hoặc giải đáp cách phòng và điều trị bệnh, các bác sỹ đều giới thiệu cơ chế bệnh sau đó giới thiệu một loại thực phẩm chức năng nào đó.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm thực phẩm chức năng tại Hà Nội tiết lộ, toàn bộ chi phí cho chuyên mục đều do doanh nghiệp đài thọ kể cả việc thuê bác sỹ hay viết kịch bản đều có sự “chỉ đạo” của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên báo chí có chuyên mục tự giới thiệu và đây cũng chính là cách quảng cáo mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Còn trên trang web của doanh nghiệp và các trang web mà doanh nghiệp thuê quảng cáo thì các mẫu quảng cáo đều “vượt rào” dưới nhiều hình thức.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là được sử dụng để điều trị hiệu quả bệnh, một số loại được “tâng” lên như thần dược. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo…
Theo anh H., người có nhiều kinh nghiệm trong xử lý vi phạm về quảng cáo thì dù quảng cáo dưới bất cứ hình thức nào nhưng nội dung quảng cáo không đảm bảo đúng quy định của pháp luật nói chung và của ngành y tế nói riêng đều bị cơ quan chức năng xử lý.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, lỗi vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm chức năng là quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được cơ quan y tế xác nhận.
Một số loại sản phẩm được quảng cáo khi chưa đăng ký nội dung quảng cáo hoặc đăng ký đã hết hạn. Cá biệt có một số trường hợp quảng cáo sai tác dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Việc sử dụng hình ảnh, uy tín của bác sỹ, bệnh viện để quảng cáo thực phẩm chức năng cũng không phải ít.
Báo giấy “thua” báo hình
![]() |
Do bị xiết chặt quảng cáo trên báo giấy, lượng sản phẩm bán ra giảm nên các doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn “đầu tư” quảng cáo trên truyền hình. Mặc dù tiền quảng cáo rất lớn, chỉ cần 30 giây cũng tốn hàng chục triệu đồng, đấy là chưa kể vào khung giờ vàng, chương trình vui chơi giải trí hot.
Kịch bản quảng cáo mặc dù đã được duyệt nhưng vẫn được các “ông lớn” truyền thông “chế bản” nhằm đánh đồng thực phẩm chức năng với thuốc. Trên các kênh truyền hình tầm cỡ quốc gia, hiếm khi người ta nghe được lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng và dòng chữ này cũng chạy rất nhanh khi quảng cáo, thậm chí chữ nhỏ và mờ làm người xem truyền hình nếu không chú ý thì không đọc được.
Theo chị T, giám đốc một doanh nghiệp có nhiều sản phẩm đang bán chạy trên thị trường, nếu đài truyền hình đọc dòng chữ trên thì chị sẽ không quảng cáo trên truyền hình nữa vì có quảng cáo cũng “mất tác dụng”. Đây chính là điểm lập lờ mà các loại thực chức năng vẫn được quảng cáo trên truyền hình.
Theo khoản 1 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên sóng truyền hình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Được biết, ngày 03/9/2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 688/TTra-BCXB yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình thế nhưng các đài truyền hình dường như chưa bị xử phạt nên vẫn cố thực hiện nốt hợp đồng quảng cáo.
Theo số liệu về xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động quảng cáo trên báo chí từ ngày 15/8/2014 đến ngày 30/9/2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt cảnh cáo 1 cơ quan báo chí và phạt tiền 9 cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt là 210 triệu đồng do các tờ báo quảng cáo thực phẩm chức năng không phù hợp với nội dung đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Các cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hành chính hầu hết là báo chí trung ương thuộc các hội nghề nghiệp, tổ chức của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, liên đoàn lao động. Cá biệt có cơ quan báo chí vi phạm do quân đội, công an, y tế quản lý.
Mức phạt dành cho mỗi cơ quan báo chí từ 20-25 triệu đồng tùy theo nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm và thái độ, hành vi sau vi phạm. Ngoài ra, 4 doanh nghiệp cũng đã bị xử phạt với số tiền 97 triệu đồng do quảng cáo trên trang web các loại thực phẩm chức năng sai quy định.
Vì sao vẫn vi phạm?
Về nguyên nhân vi phạm, một số cơ quan báo chí do chưa hiểu rõ thủ tục quy định về quảng cáo các loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, theo đó doanh nghiệp muốn quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng trên báo chí thì phải có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo maket quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp.
Bộ phận tiếp nhận quảng cáo của báo thường chỉ kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh và giấy xác nhận nội dung quảng cáo nhưng lại không kiểm tra maket quảng cáo đã được duyệt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại không muốn quảng cáo theo maket đã được duyệt mà muốn “thêm mắm thêm muối” để mẫu quảng cáo thu hút sự người đọc, thậm chí “phịa” thêm những tác dụng không hề có của sản phẩm.
Nhiều ví dụ về bệnh nhân nhằm minh họa cho công dụng của sản phẩm cũng được các doanh nghiệp hoặc công ty truyền thông (đơn vị trung gian quảng cáo) sử dụng mặc dù thực tế sử dụng không được như những lời quảng cáo “có cánh”.
Một nguyên nhân khá quan trọng khác dẫn đến những vi phạm về quảng cáo trên báo chí là do tình hình tài chính báo chí gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí đang đứng trước tình trạng nợ lương, nợ tiền thuê trụ sở… nên “nhắm mắt” quảng cáo. Có cơ quan báo chí lớn, lượng phát hành nhiều bị xử phạt rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, thể hiện thái độ “nhờn” luật.
Đối với các doanh nghiệp, quảng cáo là cách nhanh nhất để đưa sản phẩm đến công chúng. Với nhiều công ty dược phẩm lớn, việc nộp phạt 20-30 triệu chỉ là chuyện nhỏ nên vẫn ra sức quảng cáo. Nhiều sản phẩm được bán cao gấp nhiều lần so với giá thành hoặc giá nhập khẩu nên doanh nghiệp vẫn lãi lớn cho dù có bị xử phạt nhiều lần.
Thực tế cho thấy, tình hình quảng cáo các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế đặc biệt là quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo chí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cơ quan báo chí vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định về quảng cáo đặc biệt là trên các ấn phẩm phụ.
Còn việc quảng cáo trên trang web vẫn tràn lan, khó kiểm soát và không thể xử lý triệt để. Tình trạng sai phạm vẫn phổ biến với một số loại sản phẩm.
Bởi vậy, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm duyệt nội dung quảng cáo, thực hiện triệt để yêu cầu về tính chính xác của phẩn phẩm thực phẩm chức năng.
Nếu cần thiết, cơ quan chức năng phải thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý nếu quảng cáo gây thiệt hại cho xã hội. Xem ra đây là cách duy nhất để ngăn chặn việc quảng cáo sai phép và hiệu quả nhất hiện nay.