Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý thông tin, báo chí trên địa bàn
Theo Chỉ thị số 16, thời gian qua, hệ thống báo chí, truyền thông của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; thông tin đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến với trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế như: tình trạng sử dụng các loại giấy tờ không hợp pháp, hợp lệ để tác nghiệp báo chí, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức; thông tin trên báo chí còn thiếu khách quan, thiếu chính xác, sai sự thật. Một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và trả lời trên báo chí.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Báo chí năm 2016, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật; cập nhật thông tin về người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn lên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông.
Khi làm việc với báo chí cần yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí do lãnh đạo cơ quan báo chí ký có ghi rõ tên cơ quan, tổ chức được giới thiệu đến làm việc và nội dung, thời gian làm việc cụ thể. Thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh và xử lý theo thẩm quyền; nếu có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín hoặc gây hiểu lầm thì thực hiện phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí và Sở Thông tin và Truyền thông.
Hoạt động Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, bản tin đúng mục đích, nội dung và quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và chủ động loại bỏ những thông tin bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí địa phương; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động báo chí. Các nhà báo, phóng viên khi làm việc với cơ quan, tổ chức phải xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí kèm giấy tờ tùy thân….
Tại chỉ thị, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt trong các trường hợp đột xuất, bất thường, các sự kiện lớn của tỉnh; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; nâng cao kỹ năng biên tập, nghiệp vụ cho cán bộ biên tập của các bản tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thông tin, báo chí; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thông tin, báo chí.