Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025 có điểm bán sản phẩm OCOP từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố
Theo kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Bình đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65 - 70 sản phẩm OCOP.
Năm 2020, Quảng Bình đã có nhiều sản phẩm OCOP. |
Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65 - 70 sản phẩm, trong đó phấn đấu có 1 - 3 sản phẩm đạt 5 sao, 3 - 5 sản phẩm đạt 4 sao, 45 - 50 sản phẩm đạt 3 sao.
Cùng với đo, tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 20% là các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế; hàng năm tổ chức tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm OCOP trong, ngoài nước.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ nhằm gia tăng số lượng, doanh thu sản phẩm, số lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; chú trọng liên kết sản xuất, liên kết giữa khả năng truy xuất nguồn nguyên liệu giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với từng vùng nguyên liệu giúp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; nâng cao năng lực cho chủ thể kinh tế về kỹ năng quản trị. Đổi mới, sáng tạo sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm. Tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Cùng với việc triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chu trình OCOP thường niên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; xây dựng, triển khai các dự án thành phần trong Chương trình OCOP...
Thảo Nguyên