Hệ thống 'lốc xoáy' đáng sợ nhất của Nga bị 'vùi dập' ở chiến trường Armenia
Azerbaijan mới đây đã phá hủy hoàn toàn hệ thống “lốc xoáy” của Armenia, hệ thống này do Nga chế tạo và được đánh giá là một trong những hệ thống pháo phản lực phóng loạt đáng sợ nhất thế giới.
Theo báo cáo của Sputnik hôm 30/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định, Quân đội Azerbaijan đã hủy diệt hệ thống pháo phản lực phóng loạt “lốc xoáy” của Armenia sau khi Armenia sử dụng loại vũ khí đáng sợ này tấn công vào thành phố Barda của Azerbaijan.
Hệ thống “lốc xoáy” của Armenia bị UAV Azerbaijan khóa mục tiêu. Nguồn: Sputnik. |
Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ: “Lực lượng trinh sát tiền tuyến của Azerbaijan đã phát hiện trận địa pháo phản lực phóng loạt ‘lốc xoáy’ của Armenia khi hệ thống này đang tấn công vào các cơ sở dân sự và nhà dân ở thành phố Barda. Lúc 15h18 ngày 29/10, lực lượng trinh sát của Azerbaijan đã tấn công chính xác, phá hủy hoàn toàn hệ thống ‘lốc xoáy’ trên”.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng công bố một số hình ảnh liên quan đến cuộc tấn công phá hủy hệ thống “lốc xoáy” cho truyền thông. Theo hình ảnh máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan đã sử dụng tên lửa tấn công chính xác, phá hủy hệ thống “lốc xoáy”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, mặc dù tên lửa của Azerbaijan tấn công trúng hệ thống “lốc xoáy” của nước này, nhưng đã không thể phá hủy được hệ thống này, do tên lửa của Azerbaijan quá yếu.
Cuộc chiến giành khu vực giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra từ ngày 27/9/2020, hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau về nguyên nhân phát động chiến tranh. Armenia đã tuyên bố tình trạng chiến tranh, lần đầu tiên tiến hành tổng động viên toàn quốc, cho rằng Azerbaijan đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên lửa của Azerbaijan đã tấn công chính xác hệ thống “lốc xoáy”. Nguồn: Sputnik. |
Về phía Azerbaijan, nước này mới chỉ tiến hành tổng động viên ở một số địa phương. Nga, Mỹ và Pháp đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh kiềm chế. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu “phù hợp” của Azerbaijan, để hỗ trợ nước này “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” của mình. Về phía Nga, Bộ Ngoại giao Nga (31/10) khẳng định, “Nga sẽ cung cấp cho Yerevan mọi hỗ trợ cần thiết nếu giao tranh trực tiếp xảy ra tại lãnh thổ Armenia”.
Được biết, Azerbaijan và Armenia đã đạt được bốn thỏa thuận ngừng bắn, thỏa thuận mới nhất đạt được hôm 30/10, hai bên cam kết tránh tấn công dân thường. Thỏa thuận này đạt được sau cuộc đối thoại giữa ngoại trưởng hai nước cùng các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk gồm Nga, Mỹ và Pháp tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, cả hai bên không đề cập tới điều khoản chấm dứt giao tranh trong cuộc họp.
Cuộc tấn công vừa qua giữa hai quốc gia này lại một lần nữa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt “lốc xoáy” bị tiêu diệt trong cuộc tấn công trên chính là hệ thống BM-30 Smerch - pháo phản lực đáng sợ nhất của Nga.
BM-30 Smerch - pháo phản lực đáng sợ nhất của Nga. Nguồn: Sputnik. |
Một xe phóng của tổ hợp pháo phản lực Smerch có thể hủy diệt mọi sinh vật sống trên diện tích 67 hecta từ khoảng cách 90 km. Hệ thống này được phát triển vào đầu thập niên 1980, đi vào biên chế Hồng quân Liên Xô từ năm 1987. Khi đó, nó là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) mạnh nhất trên thế giới. Theo Military Today, đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất thế giới.
Ngoài Nga, BM-30 cũng hiện diện trong quân đội 15 quốc gia khác, hệ thống này từng tham chiến tại Chechnya, Ukraine và gần đây nhất là Syria. Tổ hợp Smerch hoàn chỉnh được Bộ Quốc phòng Nga định danh là 9K58, xe phóng đạn có định danh 9A52.
Mỗi xe phóng đạn được trang bị 12 ống phóng cỡ nòng 300 mm. Loại đạn 9M55 tiêu chuẩn của Smerch dài 7,6 m và nặng 800 kg. Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km.
Các quả đạn đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác. BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp (FAE), đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.
Smerch có khả năng phóng từng quả đạn riêng rẽ hoặc phóng theo loạt 3, 6 và 12 đạn. Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương.
Xe phóng 9A52 có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang khai hỏa chỉ trong vòng 3 phút. Người điều khiển có thể ra lệnh phóng đạn từ trong xe hoặc từ xa. Một loạt phóng toàn bộ 12 đạn chỉ kéo dài trong 38 giây. Bệ phóng được đặt trên khung gầm hạng nặng MAZ-543. Xe có tốc độ tối đa 60-65 km/h, có thể chạy liên tục 850 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Năm 2007, Nga đã giới thiệu phiên bản 9A52-4 Tornado, dựa trên thiết kế của BM-30. Nó đóng vai trò bệ phóng pháo phản lực hạng nhẹ và đa năng hơn Smerch, với hỏa lực giảm xuống chỉ còn 6 ống phóng. Tornado cũng được trang bị hệ thống định vị và điều khiển hỏa lực hiện đại hơn BM-30.
BQP Azerbaijan công bố video pháo kích vào thiết bị quân sự Armenia
Mới đây, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố trên kênh YouTube một đoạn video về vụ pháo kích thiết bị quân sự ở Armenia.
Đức Trí (lược dịch)