Quản lý chi tiêu, hạnh phúc gia đình... nhờ app
Do vậy, trong thời đại 4.0 hiện nay bên cạnh các ứng dụng (app) giải trí, làm việc hỗ trợ người dùng thì các app quản lý chi tiêu trong gia đình cũng được các chị em “bỉm sữa” hết sức quan tâm tìm hiểu và tin dùng.
Ai tiêu nhiều hơn – “rõ như ban ngày”
“Em ơi, cho anh 500k cho các con ăn sáng. Anh hết nhẵn tiền tiêu rồi” – Đỗ Văn Tuấn (30 tuổi, nhân viên CNTT) vừa mở lời xin Thùy Vân - vợ anh, thì bị cằn nhằn: “Từ đầu tháng tới giờ anh xin em tổng 4 triệu, bảy trăm 25 nghìn đồng. Anh đưa cho em có 17 triệu thôi, nhưng anh đã tiêu tới gần 25 triệu. Vụ anh lấy 20 triệu về quê việc gia đình cuối tuần trước a chưa có nguồn nào bù vào đâu đấy”. Anh Tuấn giật mình, ừ thì tháng vừa rồi anh tiêu quá nhiều thật.
Thực tế, Vân - vợ anh có thể đọc chi tiết số tiền anh Tuấn tiêu đơn giản vì chị bán hàng và cài thêm app Sổ thu chi, nên việc tiền ra – tiền vào tài khoản của gia đình chị nắm khá rõ. Từ các khoản đóng học cho con (đóng qua tài khoản hay Sisap…); tiền điện nước (gia dình và cửa hàng) hàng tháng; tiền gửi xe (xe máy và ô tô)/phí dịch vụ chung cư; tiền điện thoại/Internet; cho tới tiền đổ xăng, tiền phía đường bộ mỗi tháng và thậm chí cả tiền ăn sáng của 2 vợ chồng và các con đều được hiển thị khá chi tiết qua app.
Chưa tính tới các khoản chi lớn hoặc chi không thương xuyên, Sổ thu chi cho Vân biết gia đình mình đang “bội chi”, trong khi số tiền Tuấn đưa đang thấp hơn nhiều số anh lấy đi; số thâm hụt còn lại do việc kinh doanh của Vân cũng không thuận lợi, ít khách dịp cuối năm. Thực tế, khi đại dịch Covid-19 quét qua khiến tình hình tài chính của nhiều gia đình gặp khó khăn. Việc quản lý chi tiêu đối với chị em nội trợ vốn là việc rất đau đầu, do đó các app quản lý chi tiêu ra đời đã phần nào giải được bài toán này cho chị em.
Chỉ cần vào CH Play (với điện thoại Android) hay Apple Store (với điện thoại iOS), người dùng có hàng trăm ứng dụng quản lý chi tiêu để lựa chọn như: Money Manager (ví điện tử quản lý tài khoản cá nhân); PocketGuard; HomeBudget; Mint; Money lover hay Sổ thu chi (MoneyNote)... Mỗi app có ưu nhược điểm riêng nhưng đều có các tính năng bóc tách các khoản thu chi và hỗ trợ cân đối tài chính cho người dùng. Nếu các ông chồng trước đây có “vung tay quá trán” cho những bữa nhậu, về quê công việc; hay việc chị em “quá tay” mua hàng online, mua sắm đồ Tết… đều được các app quản lý thống kê bằng các con số.
Giờ đây, vợ chồng có thể biết rõ ràng “ai tiêu nhiều hơn ai”, mọi con số đều đã “rõ như ban ngày” nên cũng chẳng phải cãi nhau như trước kia. Cái quan trọng nhất bây giờ với các gia đình trẻ là phải tiết kiệm, cân đối thu chi hợp lý và quan trọng nhất tìm cách kiếm tiền nhiều hơn mà thôi.
Đừng để chồng phải tạo quỹ đen
Có một khía cạnh ngoài lề khi các gia đình dùng app quản lý chi tiêu, đó là các ông chồng bị “quản” nay càng khó khăn hơn với việc nếu phải dùng đến tiền. Thực tế, các app quản lý tài chính giúp chị em có thói quen quản lý tài chính khoa học, kiểm soát tiền bạc của gia đình tốt hơn. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là phương tiện hỗ trợ cuộc sống chứ không phải là công cụ để giám sát chồng con. Chị Nguyễn Thu Thủy (nhân viên VNPT ở Hà Nội) chia sẻ, chị luôn để cho chồng khoảng không gian riêng và thậm chí cả “quỹ đen” để anh có thể ra ngoài giao thiệp với bạn bè.
“Lương chồng ra sao, các khoản làm ngoài thế nào là phụ nữ sao mình không nắm được. Mọi sự kiểm soát chồng như lục ví, app công nghệ hay kiểm soát hóa đơn/ví điện tử của chồng mình không bao giờ làm vì coi đó chỉ là hạ sách. Cũng giống như bao phụ nữ thôi, tôi cũng không muốn chồng vung vãi tiền ngoài đường, nhưng cũng chẳng muốn chồng mình phải mất mặt với bè bạn mỗi khi cần dùng tới tiền cả. Nếu trong ví, tài khoản chả có số dư nhất định thì đôi lúc cũng rất… mất mặt. Nếu để chồng phải dùng tới chiêu lập quỹ đen nữa thì coi như là sự thất bại”, chị Thủy tâm sự.
Cùng quan điểm với chị Thủy, chị Thùy Vân cũng có tư duy rất hiện đại: Bên cạnh các hình thức chuyển khoản, quét QR code, dùng ví điện tử… khi thanh toán các hóa đơn thì việc nhét tiền vào ví của chồng mỗi khi anh ấy ra đường là việc phụ nữ nên làm với thái độ mềm dẻo và tinh tế. Nói gì thì nói, các app quản lý tài chính hiện đại là khỏi bàn cãi, chiếc ví vẫn là cái gì đó khiến đàn ông “bản lĩnh” hơn và nhất là chiếc ví ấy có tiền. “Với mình quan niệm, người làm ra tiền và chồng phải chỗ dựa tinh thần bên cạnh chỗ dựa tài chính. Nếu thiếu một vế, phụ nữ nên xem lại bản thân”, chị Thùy Vân khuyên các chị em.
Hải Việt