Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Phân loại rác thải dựa vào cộng đồng
“Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” là bước tiến quan trọng trong quyết tâm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải, tập trung vào rác thải nhựa có giá trị thấp tại Việt Nam.
Thông qua việc góp phần thực hiện mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được phân loại đã đề ra trong kế hoạch chiến lược của quận Hoàn Kiếm, dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” tập trung vào chất thải nhựa có giá trị thấp được xây dựng và triển khai đầu tiên tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mô hình sẽ cung cấp đầu vào và xác định các vấn đề ưu tiên trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa tại địa phương. Hoạt động thí điểm cũng là bước đầu để hỗ trợ áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải trên toàn thành phố.
Phương thức thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án là xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo cho các nhóm nòng cốt (bao gồm Hội phụ nữ và cán bộ tổ dân phố), sao cho những học viên này sau khi học xong, họ có thể hướng dẫn, truyền thông và thúc đẩy các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tái chế và rác thải nhựa giá trị thấp.
Phân loại rác thải tại nguồn từ các hộ dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. |
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ gia đình, nhóm nòng cốt để thực hiện phân loại tại nguồn; hỗ trợ công nhân công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm trong việc thu gom; hỗ trợ các công ty tái chế trong việc vận chuyển rác thải tới nhà máy tái chế và các nguồn lực cần thiết khác để thu gom rác nhựa giá trị thấp.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động truyền thông như tổ chức tham quan 84 mét đường giao thông được làm sạch, rải đá cấp phối cho các em học sinh tiểu học và cuộc thi chủ đề tái chế rác thải nhựa trên mạng xã hội, dự án đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải nhựa, biến nhận thức thành những hành động thực tiễn.
Trải qua khoảng thời gian ngắn tổ chức thí điểm tại 6 phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, Mô hình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Sau 1 tháng triển khai đồng bộ trên cả 6 phường, đã có 5.400 hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn, gần 5.000 hộ được ghi nhận đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Kết quả, 4.200kg rác thải nhựa giá trị thấp cũng đã được phân loại, riêng tại phường Hàng Đào đã ghi nhận được gần 700kg rác thải nhựa giá trị thấp sau khoảng thời gian 2 tháng triển khai.
Đáng chú ý, với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải nhựa đúng cách và gợi ý một số cách tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng hữu ích, chương trình lần này đã đem tới cho các em học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhiều kiến thức bổ ích về phân loại, thu gom và tái chế rác nhựa giá trị thấp.
Theo đó, các em học sinh được phân biệt đúng các loại: rác thải nhựa giá trị thấp, rác thải nhựa giá trị cao và rác hữu cơ. Các em học sinh được nghe về đường đi của rác thải, từ khi được thu gom tại nhà dưới dạng rác thải nhựa giá trị thấp, cho đến vòng đời của chúng tại nhà máy tái chế và kết thúc bằng cuộc tái sinh diệu kỳ dưới hình hài viên ngói, viên gạch lát đường, những đồ vật quen thuộc và vô cùng có ích trong cuộc sống hằng ngày. Cuối chương trình, các em học sinh được tham gia một trò chơi có tên gọi “Truy tìm loại rác đúng”. Trò chơi này đóng vai trò củng cố, giúp các em ghi nhớ hơn những gì đã học và áp dụng kiến thức trong việc phân loại rác ngay tại nhà.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh các biện pháp triển khai dự án đang thực hiện, cần phải tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, giáo dục vận động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến trong thái độ và hành vi hàng ngày của người dân và các bên liên quan trong toàn bộ dây chuyền quản lý rác thải. Công tác này cần tổ chức trong một thời gian dài, thường xuyên và liên tục ở các địa bàn cho mọi đối tượng, nhằm xây dựng được ý thức và hình thành được thói quen trong mỗi gia đình và ngoài cộng đồng.
Tổng giám đốc công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam - nhà tài trợ của dự án chia sẻ: “Dow đang thực hiện những giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa thiết thực và dễ áp dụng vào cộng đồng, thông qua việc phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan nhà nước và các đối tác. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam của Dow, góp phần tiến tới một tương lai không còn rác thải nhựa.”
Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ qua một số hội thảo nhằm thúc đẩy kết quả của dự án, từ đó khuyến khích việc áp dụng Mô hình trên toàn thành phố Hà Nội. Các bài học kinh nghiệm sẽ được sử dụng để quản lý thích ứng và cải thiện hiệu suất của các hoạt động tương tự trong tương lai.
Dự án hiện tại vẫn đang được triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, dự kiến đến tháng 06/2022.
Tuân Nguyễn