Quan hệ Mỹ - Iran có sự thay đổi mang tính lịch sử
Hôm thứ Bảy (28/9), phía Iran cho biết Tổng thống Rouhani đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Mỹ Obama, phá vỡ bức tường ngăn cách các đời tổng thống của hai bên hơn 34 năm qua. Hai tổng thống cam kết sẽ giải quyết những lo ngại về tham vọng hạt nhân của Iran, khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập và dẫn đến phải chịu các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế tê liệt.
Khi Tổng thống Rouhani về đến Tehran, ông đã được cả những người ủng hộ cũng như phe đối lập bảo thủ đứng chờ đón. Phe phản đối đã biểu tình kích động bằng các cử chỉ kinh bỉ như ném giày vào đoàn xe hộ tống. Trong khi phe ủng hộ chào đón ông Rouhani bằng băng rôn cổ vũ và ca ngợi những nỗ lực hòa bình của ông.
Hai tổng thống của Mỹ và Iran đã có một cuộc gọi lịch sử, đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ lạnh nhạt kéo dài 34 năm. |
Một quan chức Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán nghiêm túc đã được thực hiện với sự góp mặt của các tổng thống. Tới đây, vào ngày 15-16/10, cuộc họp giữa các ngoại trưởng và các quan chức đến từ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng với nước Đức sẽ cùng nhau vạch ra một con đường cụ thể phía trước cho vấn đề hạt nhân Iran. Nhóm này sẽ lắng nghe Iran trình bày các đề xuất chi tiết hơn về việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho nước này.
Cuộc gọi ban đầu được sắp xếp bởi một phụ tá giấu tên của ông Rouhani, nhưng ngay lập tức Tổng thống Mỹ Obama đã đáp ứng và chấp nhận nói chuyện với người đồng cấp Iran của mình.
Vào cuối cuộc gọi, ông Obama đã gợi ý về bước đột phá trong vấn đề hạt nhân có thể sẽ báo trước một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Mỹ và Iran. Quan điểm này đã từng là điều không tưởng khi trong những năm trước đây, người tiền nhiệm của ông Rouhani đã gọi nước Mỹ là “quỷ Sa Tăng”.
Các động thái ngoại giao của Iran thay đổi bất ngờ trong thời gian gần đây, kể từ khi vị tân Tổng thống Hassan Rouhani lên nắm quyền. Tại một cuộc họp báo ở New York, ông Rouhani đã ca ngợi nước Mỹ và Iran như là “những quốc gia tuyệt vời”. Trước đó, các nhà ngoại giao châu Âu và Mỹ đã ca ngợi “sự thay đổi đáng kể” trong thái độ của Iran ở các cuộc đàm phán đầu tiên về bế tắc hạt nhân kể từ hồi tháng Tư.
Tuy vậy, có những sự nghi ngờ cho rằng Iran đang cố tìm mọi cách miễn trừ lệnh trừng phạt kinh tế nhưng sẽ không có hành động cụ thể để làm dịu bớt mối quan tâm của toàn cầu và sẽ tiếp tục tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sau những lo ngại về các hoạt động bí mật phát triển vũ khí hạt nhân mà họ cho là Iran đang tiến hành. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình luôn đi đúng hướng và đáp ứng mọi mục đích hòa bình.
Một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Obama vì đã không gây áp lực lên ông Rouhani vì hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Những nghị sĩ này cho rằng Mỹ sẽ tự lừa dối chính mình nếu nghĩ rằng Tổng thống Rouhani không bị tác động bởi Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, người vẫn kiểm soát các vấn đề của đất nước, bao gồm cả chương trình hạt nhân.
Đối với ông Obama, cuộc gọi đánh dấu hành động cụ thể theo lập trừng mà ông đã thể hiện trong năm 2008, khi ông lần đầu tiên tranh cử tổng thống và nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với các nhà lãnh đạo từ các quốc gia như Iran, Syria và Triều Tiên mà không cần các điều kiện tiên quyết.
Khi công bố những bước nhảy vọt trong chính sách ngoại giao, ông Obama đang cố làm dịu đi những thách thức mà ông còn phải đối mặt trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống: giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, câu chuyện vũ khí hóa học của Syria và đối phó với Quốc hội về những vấn đề trong nước như giải quyết khủng hoảng tài chính và tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình an sinh.
Những đề nghị trên bàn đàm phán của ông Rouhani sẽ giúp cho Iran có được một số biện pháp cứu trợ tránh khỏi bị trừng phạt, một cam kết không áp dụng các hình phạt mới để đổi lấy việc kết thúc làm giàu uranium. Thỏa thuận này, được đưa ra từ hồi tháng Hai, cũng sẽ yêu cầu đình chỉ cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất Fordo của Iran và tăng cường khả năng tiếp cận cho các thanh tra của Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, bao gồm cả Israel, tiến hành xem xét liệu Iran có vũ khí hạt nhân hay không và liệu nước Tehran có phải là một mối đe dọa hiện hữu không. Các quan chức cũng cho biết Mỹ đã thông báo Israel về cuộc gọi với Rouhani .
Israel vẫn tỏ ra nghi ngờ về lời đề nghị của Iran và những thắc mắc này sẽ được đưa ra trong tuần tới, khi Tổng thống Obama gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng.