Quân đội Nhật Bản chính thức được tham chiến tại nước ngoài
Theo hãng tin Reuters, việc gỡ bỏ lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến tại nước ngoài là bước thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng vốn được Tokyo thiết lập cách đây 60 năm sau Thế chiến thứ Hai. Theo đó, Nhật Bản sẽ thực hiện quyền "phòng vệ tập thể" hay nói cách khác là hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.
Thậm chí, sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng sẽ nới lỏng những hạn chế trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Người dân Nhật Bản phản đối chính phủ thay đổi hiến pháp. |
Thủ tướng Abe đã thúc đẩy động thái này kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 18 tháng, bất chấp những lo lắng của đông đảo cử tri Nhật Bản do lo ngại quốc gia này sẽ bị sa lầy vào những cuộc chiến tại nước ngoài. Đặc biệt, việc thay đổi Điều 9 phản đối chiến tranh trong hiến pháp Nhật Bản cũng chưa từng được đề cập tới kể từ nó được thống qua sau Thế chiến thứ Hai.
Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình bao gồm người già và các liên đoàn lao động đã tổ chức biểu tình tuần hành bên ngoài văn phòng Thủ tướng Abe hôm 1/7 mang theo các khẩu hiểu "Không xóa bỏ Điều 9" và "Chúng tôi phản đối chiến tranh".
Trước đó, hôm 29/6, một người đàn ông đã tự thiêu tại một giao lộ đông đúc tại Nhật Bản để phản đối Thủ tướng Abe thay đổi Điều 9. Đây được xem là hình thức biểu tình hiếm gặp tại quốc gia này.
Điều đáng nói là việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp trao thêm quyền lực cho quân đội sẽ khiến Trung Quốc lo lắng. Bởi lâu nay, mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh vẫn ngày một căng thẳng xung quanh cuộc chiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Mỹ lại hết sức ủng hộ việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp bởi Washington luôn hối thúc Tokyo trở thành một đối tác cân bằng hơn trong mối quan hệ đồng minh.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.