Quân đội Mỹ "lách luật" mua UAV Trung Quốc để làm gì?
Truyền thông Mỹ mới đây dẫn lời quan chức phụ trách mua sắm quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh cấm các đơn vị Quân đội Mỹ sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Trung Quốc chế tạo vì lý do an ninh, một số đơn vị của Mỹ vẫn tiếp tục mua UAV của Trung Quốc. Tuy nhiên những UAV này được Quân đội Mỹ sử dụng làm “mục tiêu” để tiêu diệt trong các bài huấn luyện, chứ không để trang bị cho các lực lượng quân sự.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Trung tá Không quân Mike Andrews (25/10) cho biết, mỗi lần Không quân và Hải quân Mỹ mua sắm UAV Trung Quốc đều sử dụng quyền miễn thuế đặc biệt được Văn phòng bảo vệ và mua sắm vũ khí Lầu Năm Góc phê chuẩn. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord cho biết, việc Lầu Năm Góc phê chuẩn quyền miễn thuế đặc biệt này nhằm sử dụng UAV Trung Quốc trong điều kiện “khống chế cấp cao”, để thử nghiệm năng lực chống UAV của Quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, bà Ellen Lord cũng nhấn mạnh, “chúng tôi không trao quyền sử dụng UAV do Trung Quốc chế tạo trên thực địa, chỉ có thể sử dụng những UAV này làm thành mục tiêu hoặc bia tiêu diệt”.
Tháng 9/2019, truyền thông Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra và phát hiện, Không quân và Hải quân Mỹ đã chi hàng trăm nghìn USD để mua sắm UAV Trung Quốc cho một số lực lượng tác chiến bí mật, trong đó bao gồm cả đội đặc nhiệm SEAL và Liên đội chiến thuật đặc biệt. Một phần bản ghi chép của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, phải đến ngày 28/6/2019 Lầu Năm Góc mới phê chuẩn việc mua sắm một lô UAV do Trung Quốc chế tạo để dùng vào huấn luyện.
Quân đội Mỹ đã chi hàng trăm nghìn USD để mua UAV Trung Quốc làm “mục tiêu” cho các bài huấn luyện quân sự. Nguồn: Ifeng |
New York Times (25/10) cho biết, từ cuối năm 2017 trở lại đây, UAV Trung Quốc trở thành trọng điểm điều tra của Chính phủ, do Cục di dân và Hải quan Mỹ phụ trách, bao gồm cả các UAV dân sự, do những UAV này được tích hợp máy ảnh độ nét cao, công nghệ đo vẽ bản đồ và máy quét hồng ngoại, trọng điểm điều tra là các UAV của hãng DaJiang Trung Quốc. Theo ước tính, khoảng 70% UAV dân sự ở Mỹ đều do hãng DaJiang Trung Quốc cung cấp.