Quân đội Mỹ đang ngày càng trở nên lỗi thời?
Vào thời điểm hiện tại, chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể đang chặn đứng tổ chức khủng bố, nhưng nó không thể đẩy lùi được chúng. Sự thật là chiến lược công nghiệp quốc phòng của các nước phương Tây cần phải được xem xét lại. Tình hình kinh tế và xu hướng công nghệ đang thay đổi, khiến cho các hoạt động sản xuất vũ khí chính xác hàng loạt đang bị đặt dấu hỏi. Nếu bước đột phá về công nghệ sẽ không xuất hiện, quân đội các nước sẽ cần phải tái tổ chức lại.
Máy bay ném bom B-52 cùng hàng loạt các loại bom được trang bị trên phi cơ này. |
Đối với Washington, vấn đề đầu tiên khi đề cập đến những thay đổi với quân đội Mỹ là ngân sách. Tuy nhiên, tiền không phải là động cơ duy nhất để thúc đẩy đổi mới công nghệ. Trong những năm 1920 và 1930, Quân đội Mỹ đã đưa ra những ý tưởng táo bạo, bao gồm hạm đội tàu ngầm, tàu sân bay, oanh tạc cơ, xe tăng tốc độ cao cùng những thiết bị và học thuyết quân sự mới. Vào thời điểm đó, các quân chủng Mỹ đều không có nhiều ngân sách.
Đến khoảng năm 1950 và 1960, tiền đã liên tục được đổ vào để chạy đua với các nước Cộng sản, và sự cạnh tranh giữa Lục quân, Hải quân và Không quân Mỹ đã giúp sản sinh nhiều loại máy bay và tên lửa mới. Những hiệp ước cũng không thể ngăn cản Mỹ phát triển vũ khí hạt nhân và đề ra những chiến lược mới.
Vào thập niên 1970, kích cỡ của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô đã khiến những chiến lược mà Mỹ đề ra trở nên vô dụng và hai bên đã buộc phải tham gia vào những hiệp ước để giới hạn số vũ khí hạt nhân và tên lửa phòng không. Không chỉ có vậy, các nước phía Đông có rất nhiều xe tăng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ vào thời điểm này đã chuyển sang chế tạo các loại vũ khí có độ chính xác cao hơn. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và trong cuộc chiến tranh Iraq lần thứ nhất, quân đội Mỹ đã đạt được những thành công nhất định.
Ngày nay, Mỹ đối mặt với một vấn đề còn đáng lo ngại hơn căng thẳng vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, Trung Quốc trở thành một đối trọng mới của Mỹ. Sự bùng nổ của công nghệ Internet đã khiến Trung Quốc có thể đánh cắp bí mật quân sự tốt hơn Liên Xô trước đây. Và với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc đang có ý định bán vũ khí của mình ra toàn thế giới. Khi các đối thủ cũng có thể sử dụng các loại vũ khí chính xác, Mỹ có thể làm gì?
Hiện tại, có hai khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất là hi vọng Mỹ sẽ có bước đột phá mới về công nghệ. Bộ trưởng Bộ Không quân Mỹ đã từng viết rằng, “nếu chúng ta có thể tiêu diệt một quả tên lửa mà tốn ít chi phí hơn so với ngân sách mà đối thủ cần để chế tạo và phóng nó, đó sẽ là một lợi thế đáng kể”. Trước mắt, Mỹ sẽ có loại vũ khí laser mới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work thừa nhận rằng, việc đạt được lợi thế về công nghệ sẽ rất khó trong thế kỷ này.
Cũng giống như những năm 1950, quân đội Mỹ cũng cần phải tái tổ chức lại. Lực lượng này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp lớn, các tuyến đường vận chuyển trên biển và trên bộ, các cảng quan trọng và các tàu sân bay và căn cứ không quân, những mục tiêu lớn dễ bị tấn công. Cách dàn đội hình của Mỹ vẫn được giữ nguyên từ thời Thế chiến II.
Có thể thấy, Mỹ đang gặp khó khăn trong việc phát triển quân sự, khi công nghệ chưa có bước chuyển mình mạnh mẽ và hoạt động quân sự không thay đổi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.