Quan chức Mỹ - Thổ nhóm họp vì S-400 của Nga, lối thoát nào cho khủng hoảng?
Cụ thể, hai bên sẽ bàn về ảnh hưởng mà hệ thống phòng không của Nga có thể gây ra đối với các phi cơ chiến đấu F-35 nếu được cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Kalin khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ các hệ thống S-400 đã mua về là “không thể xảy ra” nhưng ông nói hệ thống này sẽ không được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ của NATO, điều mà nhiều chuyên gia không muốn thực hiện.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là lý do quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có rạn nứt. |
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã kêu gọi Quốc hội tạm ngừng áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi ông tin rằng có khả năng Ankara sẽ thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề mua và sử dụng hệ thống phòng không S-400.
“Chúng tôi tin rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có động thái trong thời gian tới về vấn đề S-400. Nếu đây là động thái tích cực thì chúng ta cần phải bình tĩnh, bởi tôi tin rằng chúng ta sẽ phải xem lại quan điểm của mình nếu vấn đề S-400 được giải quyết”, ông Risch nói.
Điều đáng chú ý đó là Quốc hội Mỹ mặc dù đe dọa áp đặt trừng phạt đối với Ankara khi họ mua vũ khí Nga, song đề xuất này đươc thông qua do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria, nơi họ nhằm vào lực lượng người Kurd, từ lâu là đồng minh của Mỹ trong khu vực. Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham nói rằng việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề S-400 vẫn có thể áp dụng vào tương lai và Mỹ đang cho Thổ Nhĩ Kỳ thời gian xem xét lại.
Vấn đề S-400 đã được đề cập trong cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 13/11. Cả ông Risch và ông Graham đều có mặt trong cuộc gặp này và đã trò chuyện với ông Erdogan về vấn đề S-400 và người Kurd.
Ông Risch nói rằng ông đã cảnh báo ông Erdogan về những hậu quả của việc mua hệ thống S-400 từ Nga, cụ thể là nó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không có được máy bay F-35 như họ muốn. Thượng nghị sĩ Mỹ cũng giải thích với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông có thể ngăn việc cung cấp máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ cho Ankara trừ phi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận yêu cầu của Mỹ.
“Tôi sẽ không chấp thuận bán F-35 chừng nào họ có hệ thống tên lửa S-400. Tôi đã nói với họ điều này trong suốt một năm qua và tôi nghĩ họ không tin chúng tôi. Tôi nghĩ ông Erdogan không chấp nhận câu trả lời này, nhưng sau cuộc gặp mặt ở Nhà Trắng ông ấy biết rõ quan điểm của chúng tôi”, ông Risch nói.
Mặc dù cuộc gặp mặt ngày 13/11 giữa Tổng thống hai nước đã không đạt được kết quả tức thì đó là hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, song một số bước tiến đã xuất hiện. Cụ thể, ông Trump tuyên bố kế hoạch tập trung các chuyên gia an ninh của cả hai nước để tìm giải pháp cho vấn đề S-400.
Đáp lại, Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không vứt bỏ hệ thống S-400, và rằng việc mua loại vũ khí này là vấn đề nội bộ và những yêu sách của Mỹ là “không đúng đắn”. Ông cũng nói thêm rằng Ankara sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ để sử dụng kèm với S-400.