Quan chức Đức yêu cầu chấm dứt đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU
Đức yêu cầu chấm dứt đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU |
Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria (CHLB Đức), Joachim Herrmann đã yêu cầu ngay lập tức chấm dứt các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, ông Herrmann đã đưa ra bình luận về kết quả trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết: "EU nên chấm dứt các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh. Nên dừng lại ngay lập tức. Chúng ta phải dừng lại việc tự lừa dối bản thân... Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan chẳng thể có triển vọng!".
Cuộc trưng cầu dân ý nhằm sửa đổi Hiến pháp, qua đó chính thể cộng hòa nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ được thay thế bằng cộng hòa Tổng thống được tổ chức vào ngày 16/4 vừa qua.
Các giám sát viên quốc tế cho biết chiến dịch trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành trên "một sân chơi không cân sức" và những sự thay đổi về mặt thủ tục sau đó đã tác động đến kết quả kiểm phiếu.
Cezar Florin Preda thuộc phái bộ chung của Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về Các thể chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) và Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) nêu rõ: "Cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra trên một sân chơi không cân sức và hai bên chiến dịch không có những cơ hội bình đẳng".
Ngoài ra, khi đề cập đến việc giới chức bầu cử cho phép sử dụng lá phiếu không có dấu chính thức, quan chức trên cho biết: "Những thay đổi muộn về thủ tục kiểm phiếu đã làm mất đi sự đảm bảo quan trọng".
Ngay sau sự kiện này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý khác về việc gia nhập Liên minh châu Âu. Đồng thời, ông cũng nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 54 năm chờ đợi ở "cánh cửa của EU".
Năm 1963, Ankara đã ký một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (khi đó là EEC), và vào năm 1987 đã nộp đơn gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chỉ khởi động vào năm 2005, và chúng nhiều lần bị dừng lại do các bất đồng.
Vào tháng 3/2016, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tăng cường các cuộc đàm phán để đổi lấy sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm giảm áp lực của những người di cư sang châu Âu. Hiện đã có 16 trong tổng số 35 chương của hồ sơ đàm phán đã được mở.