Quan chức Đức chỉ trích “cực gắt” các lệnh trừng phạt của Mỹ giữa đại dịch Covid-19
Tuyên bố trên được Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng Quốc hội Đức Klaus Ersnt chia sẻ với RIA Novosti hôm 28/3.
Nghị sĩ Quốc hội Đứcchỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ giữa đại dịch Covid-19 là vô trách nhiệm. Ảnh: TASS. |
Theo đó, Mỹ đang xem xét khả năng gây áp lực ngoại giao đối với Saudi Arabia và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga để ổn định giá dầu, Tạp chí Phố Wall đưa tin trước đó.
Giá dầu đã giảm gần một nửa kể từ đầu tháng 3 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna, Áo. Do đó các hạn chế về sản lượng khai thác ở một số quốc gia, bao gồm Saudi Arabia và Nga sẽ chấm dứt kể từ ngày 1/4.
Đồng thời, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác lên 12,3 triệu thùng/ ngày vào tháng 4, và đồng ý với Kuwait trong việc nối lại hoạt động ở các mỏ dầu chung để góp phần tăng sản lượng cho tập đoàn dầu mỏ Aramco.
Ông Klaus Ersnt cho biết: “Thay vì đàm phán thỏa thuận với nhau và từ đó đóng góp cho cộng đồng thế giới, Mỹ đang cố gắng thông qua chính sách trừng phạt để áp đặt một cách đơn phương lên những nước khác vì lợi ích cho nền kinh tế Mỹ”.
Cũng theo ông Klaus Ersnt, cách tiếp cận như vậy của Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế và địa chiến lược của mình thông qua các lệnh trừng phạt là không thể chấp nhận được.
“Kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, các hình thức tấn công như vậy đã trở nên thường xuyên hơn và chúng ngày càng tồi tệ, không chỉ chống lại các đối thủ, mà còn liên quan đến các quốc gia “thực sự coi họ là đối tác của Hoa Kỳ””, ông Klaus Ersnt nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Klaus Ersnt, các hành động của Mỹ đang “hỗ trợ cho đại dịch Covid-19 lây lan” là vô trách nhiệm và cuối cùng cướp đi sinh mạng của con người. Đặc biệt là ở Iran và Syria khi các lệnh trừng phạt của Mỹ gây trở ngại cho việc cung cấp thuốc men và thiết bị y tế.
“Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chứ không phải gia hạn là yêu cầu ngay lúc này và tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ Đức và phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận thức được điều đó”, ông Klaus Ersnt nói.
Mới đây, hôm 26/3, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi chấm dứt tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, sau khi đưa ra câu hỏi liệu có phải Hoa Kỳ muốn một “đại dịch vĩnh viễn” hay không.
“Đại dịch Covid-19 đang lây lan trên khắp thế giới. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng cần sự giúp đỡ của những nước khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch, song họ lại không chịu dừng hành động “khủng bố kinh tế” chống lại Iran. Chẳng lẽ Mỹ muốn một “đại dịch vĩnh viễn” hay sao?” ông Zarif viết trên Twitter.
Tuyên bố này của Iran nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đưa ra hôm 25/3. Cụ thể, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với 15 cá nhân và 5 tổ chức liên quan tới Iran, đồng thời thực hiện một loạt lệnh trừng phạt liên quan tới hành vi khủng bố khác, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Quyết định trên nhắm tới 20 công ty trụ sở ở Iran và Iraq, quan chức cấp cao và chi nhánh kinh doanh hỗ trợ hoặc hành động hay trên danh nghĩa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo - Quds (IRRC-QF) chuyên viện trợ cho các tay súng khủng bố ở Iraq như Kata’ib Hizballah (KH) và Asa’ib Ahl al-Haq (AAH).
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các cá nhân và tổ chức này đã là thủ phạm hoặc đóng vai trò hỗ trợ cho các hoạt động buôn lậu qua cảng Umm Qasr của Iraq, các hoạt động rửa tiền qua các công ty bình phong Iraq, bán dầu Iran cho chính quyền Syria, buôn lậu vũ khí tới Iraq và Yemen…
“Iran sử dụng mạng lưới các công ty bình phong để hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố khắp khu vực, rút tài nguyên khỏi nhân dân Iran”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.