Putin dùng Ukraine để “thử” Obama?
Theo hãng tin AP (Mỹ), Tổng thống Obama liên tục “đe dọa” áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nền kinh tế Nga nếu điện Kremlin lặp lại kịch bản trên bán đảo Crimea ở phía đông Ukraine. Nhà Trắng cho rằng bất chấp những lời cảnh báo đó, có vẻ Tổng thống Nga Putin đang thử thách “giới hạn chịu đựng” của ông Obama bằng cách kích động biểu tình ở miền đông Ukraine, điều hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới hai nước dù chưa tiến hành một cuộc xâm lược quân sự.
“Họ sẵn sàng có những hành động khiêu khích mà không ai có thể đoán trước được. Chiến thuật đó có thể giúp họ thu lợi lớn nhưng cũng đầy rủi ro và lúc này họ đang ở điểm giữa”.
Đối với Tổng thống Obama, việc Mỹ đáp trả ra sao về tình hình Ukraine không chỉ là phép thử khả năng của ông ngăn chặn Nga trỗi dậy. Vấn đề Ukraine cũng khiến dư luận liên tưởng tới quyết định của ông về Syria hồi năm ngoái – ông đã không thực hiện lời đe dọa tấn công quân sự Syria sau khi nước này vượt qua “ranh giới đỏ” về vũ khí hóa học. Quyết định không tấn công Syria khiến ông Obama bị chỉ trích là chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ “đấu trí” ra sao về vấn đề Ukraine? |
Mặc dù không nói về vấn đề “đường ranh giới đỏ” cho nước Nga, Tổng thống Obama không ngừng cảnh báo tổng thống Putin rằng việc Matxcơva “lấn tới” ở đông Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột “leo thang nghiêm trọng” và nền kinh tế Nga sẽ nhận thêm các lệnh cấm vận quốc tế.
Mặc dù có vẻ Nhà Trắng tránh lặp lại một kịch bản Syria thứ hai nhưng các quan chức chính quyền Obama vẫn không đưa ra định nghĩa chính xác về cái gọi là “sự leo thang nghiêm trọng”. Trong khi đó, cho các quan chức này luôn khẳng định họ tin rằng Nga đang kích động bạo lực ở miền đông Ukraine.
Trên tạp chí Forbes, tác giả Douh Shoen nhận xét vấn đề Ukraine “một trong những thách thức ngoại giao lớn nhất trong nhiều thập kỷ” đối với Mỹ và châu Âu.
Vậy Washington có thể làm gì để ứng phó với thách thức này?
Theo Shoen, điều quan trọng là trong khi Tổng thống Putin không loại trừ một khả năng nào (kể cả can thiệp quân sự vào Ukraine) thì Mỹ và phương Tây phải cân nhắc tới từng lệnh cấm vận và gần như chắc chắn sẽ không có hành động quân sự chống lại nhà lãnh đạo Nga.
Cũng trên tạp chí Forbes, tác giả Loren Thompson nêu ra 6 lí do tại sao Mỹ sẽ không đối đầu quân sự với Nga về vấn đề Ukraine.
Nga có đủ năng lực quân sự để tiêu diệt Mỹ: Nếu Nga – Mỹ đối đầu quân sự, cuộc chiến đó sẽ không chỉ dừng lại ở chiến tranh thông thường mà sẽ trở thành cuộc chiến hạt nhân với mức độ hủy diệt khủng khiếp.
Ukraine đóng vai trò “sinh tử” về an ninh đối với Nga: Ukraine đóng vai trò là thành trì giữa Nga và châu Âu nên nếu Mỹ can thiệp quân sự vào nước này, điều đó cũng giống như việc Liên Xô điều tên lửa tới Cuba (sát sườn Mỹ).
Các đồng minh NATO không muốn can thiệp quân sự vào Ukraine: Bởi điều đó sẽ là hành động “gây chiến” với Mátxcơva trong khi các quốc gia châu Âu đang lệ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng của Nga.
Nga có lợi thế về địa lý: Nằm sát Ukraine, Nga có thể dễ dàng điều động quân đội và vũ khí hơn trong khi Mỹ phải dựa vào đồng minh hoặc điều động tàu chiến vào Biển Đen. Các đồng minh NATO có thể sẽ phản đối vì sợ bị Nga “trả đũa” còn tàu chiến Mỹ có thể sẽ bị hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga tiêu diệt.
Mỹ không có động lực chính trị lớn về Ukraine: Bán đảo Crimea từ lâu đã chịu sự kiểm soát thực tế của Mátxcơva với đa số người dân là người Nga. Miền đông Ukraine cũng có mối quan hệ mật thiết với Nga và ở cả hai nơi này các lực lượng Mỹ đều không được chào đón.
Người dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự vào nước ngoài: Mặc dù các chính trị gia Mỹ vẫn lớn tiếng ủng hộ nước này tiếp tục làm “cảnh sát toàn cầu” nhưng có vẻ người dân Mỹ đã “mệt mỏi” với các cuộc chiến ở nước ngoài. Tổng thống Putin biết rõ điều này và đang “khuấy động” cảm giác đó của cử tri Mỹ.
Như vậy, cũng giống như vấn đề Syria, Tổng thống Obama không có nhiều phương án khả dĩ cho vấn đề Ukraine. Vì vậy Tổng thống Obama cùng các đồng minh có lẽ sẽ chỉ đáp trả Nga bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao.