Putin đã đẩy Mỹ khỏi “ván cờ” Trung Đông như thế nào?
Tổng thống Nga Putin (giữa) |
Theo các chuyên gia của tờ Wiener Zeitung, quyết định rút lực lượng quân đội khỏi Syria của Tổng thống Putin sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Và trong tương lai, Moscow sẽ không chỉ đưa Syria mà còn cả Ai Cập và Sudan vào “ván cờ địa chính trị” ở Trung Đông.
Theo chuyên gia phân tích Ines Sholz viết trên tờ Wiener Zeitung, nhờ chiến dịch quân sự ở Syria, Nga đã gây dựng được ảnh hưởng tại Trung Đông- khu vực hàng thập kỷ trước vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ. Nhờ liên minh với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, “chiến lược gia đầy kinh nghiệm” Putin đã đẩy phương Tây ra khỏi ván cờ Trung Đông và đảm bảo cho sinh mệnh chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Phương Tây đã đầy lạc quan khi định đẩy nhà độc tài (Bashar al-Assad) vào sa mạc, nhưng sự ủng hộ của Moscow với Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS và “phe đối lập ôn hòa” đã không cho phương Tây thực hiện mục đích này.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang đứng trước mối đe dọa sẽ bị đẩy khỏi Trung Đông”- tác giả Ines Sholz nhận định. Theo chuyên gia phân tích này, “chiến dịch can thiệp quân sự” của Nga vào Syria được thực hiện trước hết là nhằm các mục đích địa chính trị.
Nhờ Syria, Nga đã duy trì được căn cứ quân sự duy nhất của mình ở Địa Trung Hải là căn cứ Tartus, và hiện Nga còn sở hữu cả căn cứ quân sự tại Hmeymim.
“Các chuyên gia đang nghi ngờ rằng Nga sẽ hoàn toàn rút hết lực lượng quân sự của mình tại Syria”- Ines Sholz đánh giá. Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích nhận định rằng Nga sẽ chỉ rút “tượng trưng” lực lượng quân sự của mình mà vẫn sẽ duy trì lực lượng đáng kể tại Syria.
Điều này thể hiện qua việc những tuyên bố của giới chức quân sự Nga vẫn hết sức cứng rắn. “Sự hiện diện quân sự của Nga ở phần phía Đông Địa Trung Hải là hết sức cần thiết để tạo lập thế cân bằng về lực lượng và cân bằng cả lợi ích- điều nước Nga vẫn chưa làm được kể từ sau khi Liên Xô tan rã”- đại diện Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Trong ván cờ địa chính trị mới ở Trung Đông, Nga cũng sẽ lôi kéo các quốc gia khác như Ai Cập và Sudan tham gia. Trong vòng 2 năm gần đây, Nga không chỉ ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị hàng tỷ USD mà còn không công khai thảo luận khả năng xây dựng căn cứ quân sự tại bờ biển Ai Cập.
Moscow cũng đang hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Libya theo kịch bản Syria. Để thiết lập được trật tự chính trị thời hậu Mỹ ở Trung Đông, Tổng thống Nga Putin đã xây dựng được hình ảnh là người “chiến sỹ gìn giữ hòa bình”.
Tuy nhiên, sứ mệnh của ông Putin sẽ không hề đơn giản. “Các nỗ lực của Điện Kremlin trong việc thống nhất các lợi ích của Ả rập Xê út, Iran, Israel, Sudan và các quốc gia khác có thể sẽ thất bại”- Wiener Zeitung nhận định.