Phương Tây sợ sẽ có xung đột giữa Nga và NATO ngoài Ukraine?
Nhiều chuyên gia phuơng Tây dự đoán, khi những vấn đề trong nước ngày càng phức tạp cùng với nguy cơ sẽ bị áp đặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt, Nga có thể sẽ gia tăng tình cảm tức giận đối với phương Tây và hành động kiên quyết hơn nữa không chỉ ở Ukraine.
Năm vừa qua, Nga bị phương Tây cô lập về chính trị và kinh tế sau khi sáp nhập Crimea và những động thái sau đó của Moscow ở miền Đông Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine tại Artemivsk, miền Đông Ukraine hôm 2/3/2015. |
Nhà phân tích chính trị Alastair Newton thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính Nomura nhận định, những áp lực kinh tế xã hội trong nước ngày càng tăng, do giá dầu giảm và tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, sẽ khiến cho các chính sách đối ngoại của ông Putin mang nhiều “màu sắc” chống phương Tây hơn.
Theo ông, nguy cơ này vẫn rất cao khi EU đang nhăm nhe áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hơn nữa nhằm gây áp lực buộc Nga phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 được kí kết hôm 12/2.
Ông Newton nói: "Chúng tôi cho rằng Nga sẽ tiếp tục hành động kiên quyết tại các nước láng giềng, bao gồm cả lãnh thổ của các nước thuộc NATO”.
Đoàn xe quân sự của Ukraine tại Artemivsk hôm 3/3/2015. |
Hãng tin CNBC nhận định, mặc dù hôm 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận, các biện pháp trừng phạt đang gây tổn thương cho nền kinh tế Nga, nhưng ông dường như vẫn thể hiện thái độ cứng rắn về vấn đề Crimea và Ukraine.
Cũng trong ngày 18/3, Nga khởi động tập trận quân sự trên toàn quốc. Theo các nhà chức trách Lithuania, cùng ngày, NATO đã phải triển khai lực lượng Cảnh vệ vùng trời Baltic để chặn nhiều chiến đấu cơ của Moscow can thiệp vào không phận NATO.
Ông Newton cho rằng: "Ngay cả khi tình hình ở miền Đông Ukraine có những dấu hiệu giảm căng thẳng, chúng tôi vẫn tin ông Putin đang có nhiều phương án đối với các nước láng giềng khác”.
Ông nói thêm: "Việc Nga liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay cả ở các vùng lãnh thổ đang có nhiều tranh cãi như Crimea, Abkhazia và Nam Ossetia là tín hiệu cho thấy ý định đó. Nó là những cảnh báo mà Nga muốn gửi tới các nước láng giềng và phương Tây”.
Một chiếc xe quân sự Ukraine tại Artemivsk hôm 3/3/2015. |
Ngoài ra, bất chấp những hỗn loạn về kinh tế, tỷ lệ người dân ủng hộ các chính sách của ông Putin tại Ukraine vẫn tiếp tục cao. Theo hãng tin RIA Novosti, có tới 100.000 người đã tụ tập tại Moscow để kỉ niệm ngày Nga sáp nhập Crimea. Họ tự hào hô vang khẩu hiệu “Nga, Nga” khi ông Putin phát biểu trước đám đông.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích khác không đồng tình với quan điểm cho rằng xung đột sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Ông Timothy Ash, người đứng đầu mảng nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng Standard (Anh) nhận định, ông Putin chỉ muốn gây áp lực để chính phủ Ukraine và phương Tây phải “suy nghĩ lại” về việc muốn đối đầu với Nga.
Ông Ash khẳng định ông Putin không có ý định và nếu có cũng sẽ rất thận trọng nếu hành động ngoài Ukraine.
Ông nói: "Tôi nghĩ, ông ấy hiểu được rằng, việc xâm phạm vào biên giới các nước, chẳng hạn như Baltic, sẽ gây leo thăng căng thẳng vô cùng lớn và dẫn tới xung đột thực sự với NATO”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin của kênh truyền hình CNBC, kênh chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ.