Phụ huynh “mách nước” cách kiểm soát bữa ăn bán trú tại trường
Lâu nay bếp ăn trường học thường được coi như "vùng đất bí mật” ở nhà trường, phụ huynh rất khó có cơ hội tiếp cận để được mắt thấy, tay sờ thực phẩm trong bếp. Vậy làm sao để phụ huynh kiểm soát được chất lượng bữa ăn bán trú?
Hầu như năm nào cũng có vụ việc phụ huynh bức xúc về chất lượng bữa ăn bán trú tại trường học. Mới đây phụ huynh trường Trần Thị Bưởi (Quận 9, TP.HCM) đã bật khóc khi thấy bữa ăn bán trú ở trường của con quá nghèo nàn. Qua kiểm tra, các phụ huynh đã phát hiện cà rốt bị thối, dập, rau bị úa vẫn được cung cấp cho bếp ăn của trường. Rồi vụ 39 học sinh bị từ chối suất ăn tại trường Newton do phụ huynh phản ứng vấn đề an toàn thực phẩm….
Có thực tế, phụ huynh luôn có mong muốn kiểm soát chặt chẽ bữa ăn bán trú để đảm bảo các con được ăn đủ dinh dưỡng, an toàn, tươi ngon để đảm bảo sức khỏe và tương xứng với số tiền bỏ ra.
Phụ huynh trường Trần Thị Bưởi (Quận 9, TP.HCM) đã bật khóc khi thấy bữa ăn bán trú ở trường của con quá nghèo nàn. |
Chị Nguyễn Minh Phương (phụ huynh có con học tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Ngày nào con đi học về tôi cũng phải hỏi con ăn gì ở trường, có ngon miệng không, có no không… Chỉ cần con than cơm ở trường nguội, đồ ăn không ngon là tôi đứng ngồi không yên. Tôi lo nhất chuyện ăn bán trú ở trường không ngon, con không ăn được, rồi vấn đề an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, học tập. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác cũng luôn phấp phỏng lo ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường”.
Chị Phương chia sẻ, để an tâm hơn, cứ thỉnh thoảng chị lại cùng hội cha mẹ học sinh xin vào kiểm tra bếp ăn tại trường. Nhưng việc này phải theo kế hoạch, ban giám hiệu đồng ý và tính chất bất ngờ là không có.
Để làm được điều này, ngay từ đầu năm học, ban phụ huynh trường con chị Hương học đã có văn bản thông nhất với nhà trường về việc thành lập ban an toàn thực phẩm là đại diện phụ huynh và nhà trường. Khi có kế hoạch về thời gian, ban an toàn thực phẩm mới có thể thực hiện kiểm tra bếp ăn, công tác phục vụ bán trú tại nhà trường.
Nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh cũng thống nhất về chọn đơn vị cung cấp thực phẩm. Kể cả các nguyên liệu như nước mắm, bột nêm, bột chiên cũng phải được những đơn vị có uy tín cung cấp. Tất cả những việc này được thống nhất ngay từ đầu năm học bằng văn bản.
Trong khi đó, một phụ huynh có con học tại trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, ban đại diện cha mẹ học sinh đã thống nhất cùng với nhà trường từ đầu năm học là ban hoàn toàn được phép đến kiểm tra bếp ăn, kiểm tra bữa ăn thực của các con miễn là có kế hoạch, không được áp đặt, gây ức chế, phản cảm với bếp ăn.
“Tất nhiên, việc kiểm tra này phải có kế hoạch, có quy trình, nếu có vấn đề gì thì có biên bản làm việc giữa các bên. Ngay từ đầu, chúng tôi đã thống nhất, nếu phát hiện vấn đề trong bếp ăn bán trú cũng không đưa sự việc khi chưa có kết luận cuối cùng lên mạng xã hội khiến tình hình thêm rối.
Nếu phụ huynh phát hiện thực phẩm chưa đạt yêu cầu sẽ mời đại diện bếp ăn, đại diện nhà trường làm việc để có tiếng nói chung. Nếu có vấn đề phải cải thiện, các bên cùng ngồi lại lắng nghe ý kiến của nhau với mục tiêu đặt sức khỏe của học sinh là ưu tiên hàng đầu.
Về thực phẩm, nhà trường và phụ huynh thống nhất chọn thực phẩm tươi ngon từ đơn vị cung cấp thực phẩm Metro, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ. Tất nhiên, phụ huynh đóng tiền ăn bán trú cho con thì được quyền biết con mình dùng thực phẩm ở đâu, đảm bảo an toàn là được chứ không phải là đòi hỏi những thực phẩm cao cấp quá với số tiền bỏ ra cho bữa ăn”, vị phụ huynh này cho hay.
Ngoài ra, theo vị phụ huynh này, tất cả những thỏa thuận trách nhiệm với nhà trường cần được thể hiện trên văn bản chứ không qua lời nói.
Hoàng Thanh