Phòng vệ thương mại góp phần bảo vệ nền kinh tế
Nhiều kết quả tích cực
Ngày 27/12, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam nhằm thảo luận về các giải pháp, định hướng chính sách phòng vệ thương mại để góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của nền kinh tế.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia với mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.
Đến nay, đối với hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Nhờ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó có thêm điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Đối với hàng xuất khẩu, tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc phòng vệ thương mại. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, công tác ứng phó các vụ kiện đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực. Điển hình, 3/5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kết thúc với kết quả có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, các pháp lệnh và nghị định quy định và hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được ban hành, xây dựng nên cơ sở pháp lý, thể chế và chính sách về lĩnh vực phòng vệ thương mại. Thời gian tới, một trong những yêu cầu được đặt ra với Việt Nam là phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa pháp luật và thể chế nhằm thực thi các cam kết của WTO.
Cần tiếp tục chủ động phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế
Đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, công tác phòng vệ thương mại đã giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển, các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường sang các thị trường quan trọng.
Thứ trưởng cũng lưu ý, trong thời gian tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao.
Để khai thác tốt cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. “Nhiệm vụ đặt ra với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại sẽ nặng nề hơn. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Hà Minh