Phòng ngừa tai nạn cho trẻ dịp Tết
Thống kê cho thấy, những ngày lễ, Tết, tỷ lệ trẻ nhập viện do tai nạn thương tích thường tăng đột biến. Trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể gặp các tai nạn trong nhà như dị vật đường thở, điện giật, bỏng, uống nhầm hóa chất, chấn thương… Nguyên nhân là do người lớn bận bịu, mải dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa nên nhiều khi trẻ vô tình bị thả lỏng. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, không chịu ngồi yên một chỗ, thích bắt chước, nghịch ngợm… nên dẫn tới những tai nạn thương tích đáng tiếc.
Có thể điểm qua một số nguy cơ mất an toàn từ một số vật dụng sau:
Các đồ trang trí được trưng bày khắp nơi, đồng nghĩa với những mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe trẻ em. Ðồ trang trí thường bắt mắt, lấp lánh, thu hút sự tò mò, chú ý của trẻ. Thêm vào đó, các đồ trang trí bằng thủy tinh, pha lê, gốm, sứ… có thể bị vỡ, trẻ có nguy cơ bị thương khi cầm hay giẫm phải. Tốt nhất, hãy để những đồ trang trí này lên cao, tránh xa tầm với của trẻ em.
Bóng bay: Với đa dạng hình thù và màu sắc, bóng bay là thứ để trang trí, hoặc mua cho trẻ chơi dịp Tết. Các loại bóng bay thường được bơm hydro hoặc actile để có độ căng và có thể bay cao. Tuy nhiên, đây lại là những chất khí rất dễ cháy, nổ. Ðã có nhiều tai nạn bỏng nghiêm trọng xảy ra do nổ bóng bay. Ngoài ra, nhà sản xuất thường cho thêm các dung dịch màu để tạo ra những quả bóng bay có màu sắc bắt mắt. Hầu hết các chất này đều có hại cho sức khỏe trẻ em. Khi trẻ ngậm bóng bay để thổi hoặc cầm chơi, các chất hóa học có thể xâm nhập vào cơ thể gây ngộ độc.
Các loại đồ chơi: Ðồ chơi chất lượng kém, nhập lậu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn có thể gây nguy hiểm cho trẻ xuất hiện ồ ạt trên thị trường. Bằng tình yêu thương con trẻ, người lớn hãy tặng trẻ những món quà xuân ý nghĩa, an toàn, phù hợp độ tuổi.
Ngoài ra, việc nấu nướng, tiệc tùng trong những ngày đầu xuân mới cũng có thể là mối nguy hiểm về bỏng nhiệt ở trẻ nhỏ. Theo thống kê, khoảng 1/10 số tai nạn tại gia đình của trẻ em là ở nhà bếp. Bên cạnh đó, trong những bữa tiệc xum họp gia đình, nhiều thức ăn dành cho người lớn như các loại hạt dễ gây hóc sặc hay đồ uống có cồn, nếu trẻ vô tình sử dụng (dù chỉ một chút ít) cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ðể tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho trẻ, việc bảo quản và sử dụng các thực phẩm trong ngày lễ, Tết cũng rất quan trọng.
Phong tục đốt nhang, hóa tiền vàng, bắn pháo hoa… tuy những ngọn lửa không quá to, nhưng cũng đủ gây bỏng cho trẻ.
Khi cho trẻ tới nơi công cộng, khu vui chơi, trung tâm thương mại, hoặc thăm thân, lễ chùa... cha mẹ phải đảm bảo an toàn, luôn để mắt tới con.
Lễ, Tết cũng là thời điểm lượng phương tiện giao thông di chuyển nhiều, nên bố mẹ tuyệt đối không được uống rượu bia nếu lái xe.Ngoài ra, trẻ em cần được bảo vệ tránh những rủi ro khác như tai nạn khi tham gia các trò chơi mới lạ, ngộ độc thức ăn, vận động quá sức, bị kẻ xấu xâm hại... Trẻ em cũng thường nhạy cảm với thời tiết, vì vậy khi di chuyển nhiều trẻ dễ bị sốt, đau đầu, viêm họng, bị xáo trộn giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giữ ngôi nhà an toàn
Ðể phòng tránh tai nạn thương tích cũng như bệnh lý thường xảy ra với trẻ em trong những kỳ nghỉ lễ, Tết một cách hiệu quả và thiết thực, cha mẹ cần quan tâm, giám sát trẻ cẩn thận. Ðặc biệt chú ý đến giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ sao cho hợp lý, giúp trẻ có sức khỏe tốt để gia đình có những kỳ nghỉ an toàn, vui vẻ.
Cần đảm bảo ngôi nhà an toàn dịp Tết: Hạn chế đồ trang trí, đặc biệt là các loại đèn chớp tắt, vật nhỏ vì trẻ dễ bỏ vào miệng nuốt; Ðể bàn là, đồ nóng, nước sôi trên cao, đậy kín, khuất, tránh tầm tay trẻ em; Không nên để các loại hóa chất trong các chai đựng nước uống và không để các chai lọ này ở tầm tay trẻ; Tránh trữ nước vào xô, chậu trong nhà.
Khu vực quanh nhà như cầu thang, cửa sổ, ban công cần thiết kế an toàn, có gắn lưới bảo vệ để phòng trẻ té ngã. Các khu vực như bể bơi, hồ cá cần rào chắn an toàn ở lối ra vào.
Đặc biệt, nên giữ cho trẻ chế độ ăn uống như bình thường trong những ngày Tết để đảm bảo sức khỏe và chú ý các loại thức ăn có hạt.
Mai Anh