Phó tổng thống Mỹ kêu gọi EU giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga
Hôm thứ Bảy (22/11), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh năng lượng của Hội đồng Đại Tây Dương ở Istanbul, ông Biden cho biết lẽ ra Nga không nên biến các nguồn khí đốt và dầu của mình thành một công cụ địa chính trị.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, (trái) và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (phải) gặp gỡ với các phương tiện truyền thông trước một cuộc họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21 tháng 11, 2014 |
Ông Biden nói: "Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để hành động". Những gì đang xảy ra ở Ukraine chỉ càng thôi thúc chúng ta hành động"
Gần đây, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận trị giá 4,6 triệu USD trong đó Nga đảm bảo nguồn cung ứng khí đốt cho Ukraine và Liên minh châu Âu.
Trước đó, vào tháng Sáu, Moscow đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine do khoản nợ quá hạn mà Ukraine chưa thể thanh toán cho Nga thời điểm đó. Động thái này của Nga được đưa ra sau vụ lật đổ Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych và sự sáp nhập của Crimea vào Nga hồi tháng Ba.
Thỏa thuận giảm bớt lo ngại rằng một sự việc từng xảy ra mùa đông năm 2009 sẽ lặp lại. Trong mùa đông năm 2009, do vụ việc tranh cãi liên quan đến hóa đơn khí đốt của Ukraine đã khiến Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu trong gần hai tuần.
Biden nói rằng ông chắc chắn Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng chính trong khu vực, nhưng ông kêu gọi Moscow không nên sử dụng năng lượng như một công cụ nhằm gây áp lực.
Ông cho biết: "Đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng. Để đạt được điều đó, châu Âu cần đảm bảo đa dạng hóa". Nga có thể là một cầu thủ trong sân chơi của liên minh châu Âu, nhưng Nga phải tuân thủ luật chơi".
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) cũng sẽ gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) ở Istanbul để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria và Iraq. |
Ông Biden cũng hoan nghênh một thỏa thuận giữa chính quyền Iraq và khu vực Kurdistan thuộc lãnh thổ phía bắc của Iraq. Thỏa thuận này liên quan đến việc quản lý xuất khẩu dầu, một động thái đã chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài và đe dọa đến sự hiệp nhất của Iraq.
Tuần trước, hai bên đã đạt được một thỏa thuận trong đó người Kurd sẽ cung cấp một nửa tổng số lượng dầu xuất khẩu cho chính phủ liên bang; đổi lại, Baghdad sẽ thanh toán tiền lương đã quá hạn cho cán bộ công chức trong khu vực.
Ông Biden nói thêm: "Tôi rất vui mừng khi xem thỏa thuận tạm thời gần đây giữa Baghdad và Irbil liên quan đến quản lý việc xuất khẩu dầu và chia sẻ doanh thu".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng đưa ra phác thảo về các dự án đa dạng năng lượng.
Ông nói: "Năng lượng không nên được sử dụng như một vũ khí. ... Năng lượng là một công cụ phục vụ cho hòa bình".
Mục đích chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ của ông Biden cũng nhằm thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cuộc xung đột ở Syria và Iraq.
Một trong những mục đích chuyến thăm của ông là thuyết phục các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Căng thẳng đã nổi lên giữa Washington và Ankara do Thổ Nhĩ Kỳ chỉ “miễn cưỡng” đóng một vai trò quân sự trong cuộc chiến.
Cho đến nay, đóng góp duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ cho liên minh là cho phép đội ngũ chiến binh người Kurd quá cảnh vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để chiến đấu với phiến quân IS nhằm kiểm soát khu vực Kobani ở biên giới Syria.
Ngoài ra, Ankara cũng không cho phép máy bay chiến đấu Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc ném bom nhằm vào IS tại Syria. Do vậy, Mỹ buộc phải thực hiện những chuyến bay xuất kích xa hơn, từ Vịnh Ba Tư.
Hồi tháng Mười đã nổ ra một vụ xung đột gay gắt giữa ông Biden và ông Erdogan, sau khi phó Tổng thống Mỹ cáo buộc Ankara khuyến khích sự phát triển của nhóm IS.
Ông Erdogan tuyên bố mối quan hệ giữa ông và ông Biden sẽ "trở thành dĩ vãng" nếu ông phát ngôn như vậy.
Hai bên cũng tranh cãi về việc liệu ông Biden đã đưa ra một lời xin lỗi hay chưa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.