Philippines yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi bãi Cỏ Mây
Theo ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 370km của nước này, “vì thế Trung Quốc nên rút tàu của mình ra khỏi khu vực này và tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
Hôm 10/5, Philippines phản đối các tàu đánh cá Trung Quốc với sự hộ tống của tàu tuần tra, đã có mặt tại Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc không phản ứng.
Thay vì trả lời phản đối của Philippines, Trung Quốc khăng khăng cho rằng nước này “có chủ quyền không thể chối cãi” đối với bãi Cỏ Mây cũng như các khu vực khác của quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Đáp lại, Tổng thống Philippines đã tuyên bố về kế hoạch chi 1,82 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với “những kẻ chuyên bắt nạt tiến vào sân sau của Philippines”.
Sau hành động xâm nhập vừa qua của Trung Quốc đã có những lời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp tuy nhiên Philippines cho rằng không cần phải mở một cuộc họp như vậy để thảo luận về căng thẳng mới trên Biển Đông.
Hôm 27/5, Abigail Valte, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, cho biết ông Aquino vẫn duy trì những nỗ lực như hiện nay, trong đó có biện pháp phản đối ngoại giao để giải quyết tình hình.
Tuần trước, các quan chức quốc phòng Philippines xác nhận 2 tàu tuần tra và 1 tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện gần bãi Cỏ Mây mà Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho hay một đội tàu gồm 30 tàu đánh cá đã được điều tới Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và cho đến nay đây là đội tàu đánh cá lớn nhất mà Trung Quốc điều ra khu vực này.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng Nhân Ái Tiêu là một phần của quần đảo Trường Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc theo bản đồ “đường 9 đoạn” của nước này.
Trung Quốc sử dụng bản đồ “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền với gần hết diện tích Biển Đông, trong đó có các khu vực gần bờ biển của các quốc gia khác trong khu vực.
Theo ông Hernandez, Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục hợp tác với quân đội nước này để đối phó với những hành động “khiêu khích và phi pháp” của Trung Quốc như điều tàu tới các vùng biển thuộc lãnh hải Philippines.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Nam Á tại diễn đàn ngoại giao ở Tokyo vào tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu rằng ông hi vọng Trung Quốc sẽ là hành xử như một quốc gia “có trách nhiệm và tích cực” về tranh chấp trên Biển Đông.
Tại diễn đàn này, ông Del Rosario cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng cách tiếp cận hòa bình, thay vì hiếu chiến, để giải quyết các bất đồng trong khu vực.
Trong suốt chuyến thăm 2 ngày tới thủ đô Tokyo, ông Del Rosario đã nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản về việc đệ đơn lên kiện Trung Quốc tại Tòa án Liên Hợp Quốc.
Giống như Philippines, Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức và Quốc hội châu Âu cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Hồi tháng 1, Manila đã đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc sau khi đã sử dụng mọi biện pháp khác nhằm giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
“Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với ý tưởng dùng trọng tài phân xử là sự công nhận rằng chúng tôi đang đi trên con đường đúng đắn nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình và dựa theo luật lệ”, ông Hernandez nói.