Philippines tuyên bố cuộc nổi loạn của phiến quân đã chấm dứt
Cuộc chiến ở Zamboanga, Philippines đã khiến hàng trăm ngàn người phải di tản và nhà cửa của họ bị phá hoại. |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, chỉ còn một số ít các quân nổi dậy của Mặt trận giải phóng Moro vẫn còn lẩn trốn và đang bị quân đội săn đuổi ở ngoại ô vùng ven biển thành phố Zamboanga. Ông cũng cho biết các nhà chức trách nước này đang cố gắng xác minh chỉ huy Habier Malik, người đứng đầu phe nổi loạn đã chết hôm 9/9.
Hơn 200 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ, trong đó có 166 người thuộc quân nổi dậy. Đây là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất và kéo dài nhất của một nhóm Hồi giáo ở miền Nam Philippines, trong bối cảnh quân Hồi giáo nổi dậy tìm kiếm tự trị cho một quốc gia thuộc Công giáo La Mã.
"Tôi có thể nói rằng cuộc khủng hoảng kết thúc. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ", ông Gazmin trả lời phỏng vấn của hãng tin AP qua điện thoại từ Zamboanga, nơi ông đang giám sát cuộc tấn công của phe chính phủ cũng như nhiệm vụ giải cứu con tin của khoảng 4.500 binh sĩ chính phủ và cảnh sát.
Gazmin cho biết 195 con tin đã được giải cứu, trốn thoát hoặc được trả tự do. Các tay súng đã buộc hơn 100.000 người dân, chiếm khoảng 10% dân số của thành phố cảng nhộn nhịp này, phải rời bỏ nhà cửa để đến nơi trú ẩn khẩn cấp được dựng lên ở khu liên hợp thể thao lớn nhất của Zamboanga. Hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy trong sự kiện này.
Cảnh sát và quân đội vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau cuộc chiến, bao gồm tìm kiếm các vũ khí tàn dư như bom mìn và bẫy, ông Gazmin cho biết.
Cuộc bao vây bắt đầu khi quân nổi dậy trang bị vũ khí đã tấn công thành phố từ một cuộc đổ bộ bằng thuyền từ đảo xa. Quân đội và cảnh sát đã ra tay ngăn chặn cuộc tấn công sau khi chính quyền tuyên bố đây là một kế hoạch nổi dậy chiếm giữ và treo cờ của họ tại hội trường thành phố Zamboanga. Các phiến quân sau đó xông vào năm làng ven biển và sử dụng người dân làm con tin khi bị quân đội chính phủ bao vây.
Tổng thống Benigno Aquino III đã ra lệnh cho một cuộc tấn công sau khi quân nổi dậy từ chối đầu hàng và giải phóng con tin.
Phe nổi dậy tham gia vào cuộc chiến đã hạ bớt yêu sách đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo riêng biệt và đã ký một thỏa thuận tự chủ với chính phủ trong năm 1996, nhưng quân lính nổi dậy đã không hạ vũ khí, cáo buộc chính phủ đã thất hứa, không phát triển các khu vực Hồi giáo khiến họ bị lãng quên.